Gắn kết thư viện với phong trào đọc sách

Thư viện có vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức, nâng cao dân trí, cung cấp tư liệu cho học tập và làm việc cho người dân. Nước ta đã xây dựng được hệ thống thư viện từ trung ương đến địa phương với tổng số hơn 20 triệu bản sách, bình quân 175 nghìn bản sách/thư viện cấp tỉnh, 10 nghìn bản sách/thư viện cấp huyện.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là hệ thống thư viện đã và đang hoạt động không thật sự hiệu quả. Thư viện tỉnh Hải Dương được xây dựng ở trung tâm thành phố với kinh phí hàng trăm tỷ đồng vậy mà mỗi ngày chỉ có vài chục lượt người đến đọc. Ngay như Thư viện Hà Nội, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được đầu tư lớn, nhưng lượng bạn đọc giảm nhiều so với trước đây, thư viện hoạt động không hết công năng. 

Một phần nguyên nhân của thực trạng nêu trên là trong những năm gần đây công nghệ nghe nhìn đã lấn lướt văn hóa đọc, nhiều người lúc nào cũng kè kè máy tính bảng, máy tính xách tay và trở nên lười đọc sách, ít đến thư viện. Mặc dù vậy, sách vẫn có giá trị bền vững của nó khi thực tế đã cho thấy công nghệ thông tin dù phát triển đến mấy cũng không thể thay thế được việc đọc sách trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và rèn luyện nhân cách con người. Việc xây dựng một phong trào đọc sách sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, thúc đẩy công cuộc xây dựng một xã hội học tập, chính là khuyến khích và tạo điều kiện để mọi người tự học, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, phát huy tài năng, trí tuệ trở thành người có ích cho xã hội. 

Một xã hội học tập, trong đó mọi người sẽ chủ động đi tìm sách để đọc, để học và lúc đó thư viện là địa chỉ họ cần phải đến thường xuyên. Trước hết, gia đình phải là cái nôi khuyến đọc. Các bậc phụ huynh nên nêu gương cho trẻ nhỏ, đồng thời hướng dẫn và tạo điều kiện cho các em đọc sách. Một điều đáng mừng là hiện nay ở nông thôn có nhiều gia đình, dòng họ đã có ý thức xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ để thu hút con cháu đọc sách, hạn chế chơi bời, lêu lổng, sa đà vào các trò chơi điện tử. Nhiều điểm thư viện thôn hay bưu điện văn hóa xã được đông người đến tìm đọc sách, báo...

Ðể thu hút đông đảo bạn đọc, các thư viện cần bám sát các diễn biến thời sự để đưa sách đến với bạn đọc qua nhiều hình thức tuyên truyền giới thiệu sách sinh động; triển khai các mô hình khuyến đọc đa dạng như phục vụ bạn đọc tại chỗ và cho mượn sách về nhà, tổ chức các chuyến xe lưu động đến các trường học vùng sâu, vùng xa đưa sách đến bạn đọc, có nhiều hình thức lôi cuốn giới thiệu sách mới, sách hay hoặc trao đổi sách cũ... nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng và tìm kiếm, phát hiện những nguồn sách thư tịch, tư liệu quý hiếm được cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước lưu trữ.

Bên cạnh huy động các nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nguồn sách, trang, thiết bị hiện đại, có thể nói, việc tạo dựng phong trào đọc sách là yếu tố quyết định tới hoạt động hiệu quả của các thư viện hiện nay.

Sưu tầm: Đặng Thìn

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/

Bài viết mới