Cơ hội việc làm luôn rộng mở với sinh viên các ngành nghệ thuật Trường CĐ VHNT Nghệ An

Nhiều ngành nghề đang mất đi, con người bị thay thế bởi rô bốt, tự động hoá nhưng riêng với nghệ thuật vẫn phải là nghệ sỹ thật và những cảm xúc thật. Vì vậy, cơ hội việc làm ở các chuyên ngành nghệ thuật luôn có nhiều.

“Nghệ sỹ được khán giả công nhận, phải là người nghệ sỹ có kiến thức”

Bằng kinh nghiệm gắn bó với công tác đào tạo, chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ sinh viên nhà trường, giảng viên Trần Trung Hoàng, khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An khẳng định, tinh thần đam mê và khổ luyện ở mỗi sinh viên nghệ thuật quyết định tới 70% sự thành công, chỉ có 30% là yếu tố may mắn. Dưới ánh đèn sân khấu lung linh, người nghệ sỹ được khán giả công nhận bằng tiếng vỗ tay hoan hỷ, nồng nhiệt… Đó chính là sự ghi nhận của khán giả mà chỉ bằng sự khổ luyện, sáng tạo của nghệ sỹ mới có được…

Bước chân đến với nghệ thuật, mỗi sinh viên muốn trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp được công chúng đón nhận, ngoài những kiến thức được học, các bạn trẻ cần phải lĩnh hội kiến thức đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực như mỹ học, triết học, tâm lý học… Đặc biệt phải có sự quan sát, va chạm tiếp xúc với công việc trong thực tế, đòi hỏi cả sự năng động, hiểu biết để làm việc cùng đối tác, được đối tác tôn trọng. Việc vận dụng những kiến thức được học và phát huy những tố chất, sở trường để sáng tạo từ khi đang còn là sinh viên, cộng với cuộc sống thực tế sẽ giúp các em rút ra được những bài học inh nghiệm để sau này đi làm không còn bỡ ngỡ.

Trở thành một nghệ sỹ chuyên nghiệp, các em sinh viên ngành nghệ thuật cần gìn giữ, phát huy những giá trị kế thừa của văn hóa truyền thống dân tộc, cũng như hòa nhập với hơi thở của nghệ thuật đương đại, tiếp thu cái tinh hoa, cái hay cái đẹp của thế giới.

Th.S Phạm Xuân Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ VHNT Nghệ An cho biết thêm: “Các em sinh viên sau tốt nghiệp của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, nếu muốn phấn đấu trở thành giảng viên các trường nghệ thuật, hoàn toàn được học liên thông Đại học tại các trường nghệ thuật. Làm nghệ thuật là dấn thân, là gian khổ. Nhiệt huyết của giảng viên là chất xúc tác cho niềm đam mê, nhưng mỗi sinh viên đều có cách lĩnh hội kiến thức và phải chuyển hóa nó thành sự khác biệt của riêng mình, tìm ra cái chất của riêng mình. Để thành công phải có thời gian trau dồi, từ đó mới có kiến thức vững chắc để tiến xa hơn, khẳng định năng lực bản thân trong công việc, các bạn sẽ có một chỗ đứng trong môi trường nghệ thuật, trong lòng công chúng”.

“Cháy” hết mình vì khán giả – Cơ hội việc làm không bao giờ từ chối

Chia sẻ về mối quan tâm của rất nhiều sinh viên về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp các trường văn hóa, nghệ thuật, giảng viên Đậu Thị Hồng Vân và giảng viên Tôn Nữ Hoài Hương, khoa Nghiệp vụ Văn hoá và Du lịch, Trường CĐ VHNT Nghệ An đồng quan điểm cho rằng: Nghệ thuật gắn với biểu diễn và phải bộc lộ cảm xúc, nghề đòi hỏi người nghệ sỹ luôn sáng tạo, dấn thân, dám nghĩ, dám làm.

Bởi vậy, khi chọn con đường nghệ thuật, các em sinh viên thực sự cần có thái độ nghiêm túc học tập và luôn luôn thúc đẩy niềm đam mê của mình. Có như vậy, khi biểu diễn, các em mới tuôn trào dòng chảy cảm xúc bên trong khi biểu diễn, mang đến cho khán giả hững dấu ấn cảm xúc có sức lan tỏa…

Tuy nhiên, sẽ không có “mẫu số chung” áp dụng cho tất cả sinh viên như nhau, mà người thầy dựa trên tố chất, sở trường, ưu thế và tiềm năng nổi bật của mỗi sinh viên để có định hướng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển theo chiều hướng phù hợp. Sự cộng hưởng giữa phương pháp giảng dạy, sự nhiệt tâm của giảng viên và sự ham học hỏi, yêu nghề của sinh viên sẽ là “chìa khóa” mở ra tương lai và cơ hội việc làm cho những nghệ sỹ luôn “cháy” hết mình vì khán giả.

Tuy nhiên, một điều làm các giảng viên làm nghệ thuật trăn trở, đó là môi trường âm nhạc hiện nay đang hỗn loạn. Sinh viên thường bị chao đảo trong xu hướng nắm bắt các dòng nhạc. Vì vậy, các bạn trẻ khi xác định cho mình con đường nghệ thuật cần xác định được ưu thế của mình để nuôi dưỡng và phát triển đúng hướng.

Trong đời sống hiện đại, nhu cầu của xã hội về hưởng thụ âm nhạc, nghệ thuật được xem như là món ăn tinh thần khá quan trọng. Bởi vậy, sinh viên học các ngành nghệ thuật được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản sẽ không thiếu cơ hội việc làm.

Lao động ở nhiều ngành nghề, vị trí việc làm đang mất đi bởi thay thế bằng rô bốt, tự động hoá nhưng riêng với nghệ thuật vẫn phải là nghệ sỹ thật và những cảm xúc thật. Vì vậy, cơ hội việc làm ở các chuyên ngành nghệ thuật luôn có nhiều, chỉ là mỗi sinh viên có mục tiêu đến đâu và dành đam mê cho nghệ thuật như thế nào mà thôi”Thạc sỹ Mai Hoa Phượng nhấn mạnh.

Giảng viên cũng là “cầu nối” việc làm cho sinh viên

Bên cạnh là những người đồng hành, giúp các em sinh viên được phát triển tài năng nghệ thuật, các giảng viên của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đồng thời cũng là “cầu nối” giới thiệu sinh viên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ngay từ khi đang học.

Thầy Cao Tiến Dũng, bí thư Đoàn trường cho biết: với ngành nghệ thuật, không cứ học diễn viên là phải làm diễn viên, học thanh nhạc phải làm ca sỹ…, bởi các em được trang bị những kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nên hoàn toàn có thể linh hoạt chọn vị trí việc làm theo mong muốn của bản thân cũng như đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Sinh viên thanh nhạc có thể dạy piano, dạy hát ở các trung tâm văn hóa thiếu nhi, trường mầm non, tiểu học hay các sự kiện biểu diễn… Ngành, Nghề Quản lý văn hoá, Biểu diễn Kịch hát dân ca, Biểu diễn nhạc cụ... cũng có thể làm việc tại các đài phát thanh – truyền hình hiện thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng. Nhà trường và các giảng viên luôn có sự kết nối với các tổ chức, đơn vị nhằm tạo cơ hội cho các em sinh viên được cọ xát, học hỏi các nghệ sỹ đi trước, cũng như có cơ hội việc làm nhanh chóng.


 

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an