Nghiệm thu đề tài khoa học “Một số phương pháp gây hứng thú tập luyện thể dục thể thao cho sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An”

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2021, sáng ngày 10 tháng 12 năm 2021, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương đã tổ chức nghiệm thu đề tài Một số phương pháp gây hứng thú tập luyện thể dục thể thao cho sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An của Th.S Vũ Xuân Trung, giảng viên khoa Lý luận đại cương. Trong đề tài của mình, Th.S Vũ Xuân Trung đã đề cập đến một số phương pháp gây hứng thú tập luyện thể dục thể thao cho sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Cụ thể nội dung của đề tài là:

- Cơ sở lý luận của vấn đề gây hứng thú cho học sinh, sinh viên trong luyện tập thể dục thể thao.

- Những nội dung cơ bản của các phương pháp.

- Hiệu quả đạt được của các phương pháp đưa ra.

- Kiến nghị, đề xuất

Chúng ta thường nghĩ rằng, tập luyện thể dục thể thao (TDTT) đơn giản chỉ là để thư giãn và rèn luyện cơ bắp, tuy nhiên, thực tế cho thấy luyện tập TDTT còn có nhiều lợi ích khác nữa. Vì chưa biết đến tác dụng của việc tập luyện TDTT nên nhiều người chưa coi trọng việc tập luyện TDTT. Tâm lí ngại luyện tập TDTT cũng tồn tại ở một bộ phận không nhỏ ở học sinh, sinh viên nhà trường. Cái quý nhất của mỗi con người là sức khỏe và trí tuệ. Có sức khỏe tốt sẽ tạo điều kiện cho trí tuệ phát triển được tốt hơn và ngược lại. TDTT giúp học sinh có được sức khỏe tốt, từ đó, có thể học tập tốt và tham gia các hoạt động ở nhà trường đạt hiệu quả cao hơn. TDTT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục giúp các em có một nếp sống lành mạnh vui tươi, học tập và làm việc khoa học, trở thành con người có ích cho xã hội.
Ở học sinh, sinh viên nhà trường, tâm sinh lý của các em đang có nhiều thay đổi lớn, tính vui tươi, hồn nhiên, hiếu động là không thể thiếu được trong các em. Vì vậy, trong môn thể dục không nên theo khuynh hướng thể dục đơn thuần, máy móc, gây cho các em sự mệt mỏi, căng thẳng, nhàm chán, dẫn đến phản tác dụng rèn luyện mà phải kích thích, tác động đến hoạt động toàn diện cả về mặt tâm sinh lý ở các em, tạo nên sự hứng thú, giúp các em ham thích, tập luyện tốt hơn.
Ngoài ra, việc không tính điểm môn thể dục cho tổng kết chung nên một số giáo viên trong quá trình giảng dạy không chịu đầu tư, giảng dạy đơn điệu, phương pháp giảng dạy không đổi mới sẽ dẫn tới sự nhàm chán cho các em. Vì vậy, Th.S Vũ Xuân Trung đã đưa ra một số phương pháp nhằm gây hứng thú cho học sinh, sinh viên trong học tập môn này.

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là nhận diện được tình hình thực tế công tác giáo dục thể chất cho sinh viên hiện nay ở nhà trường, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này ở nhà trường. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài như lỗi đánh máy, in ấn, các tiểu mục không rõ ràng, bố cục không hợp lý.

Tại buổi nghiệm thu, Th.S Vũ Xuân Trung cũng đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã chỉ ra, giúp tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.

Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, TS Phạm Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài. TS Phạm Thị Thanh Nga yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Bài viết mới

Tin tức nổi bật