Nghiệm thu đề tài khoa học "Áp dụng trò chơi và các hoạt động mang tính khích lệ khác trong việc dạy phát âm cho sinh viên năm thứ nhất Trường CĐ VHNT

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2018, sáng ngày 25 tháng 12 năm 2018, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương, Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học "Áp dụng trò chơi và các hoạt động mang tính khích lệ khác trong việc dạy phát âm cho sinh viên năm thứ nhất Trường CĐ VHNT Nghệ An" của Th.S Đinh Thị Hương, giảng viên khoa Lý luận đại cương.

Việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ là một trong những phương pháp hữu hiệu có thể làm tăng động cơ học tập cho sinh viên. Chúng giúp và khích lệ sinh viên duy trì việc học và sự hứng thú của họ với việc học. Ngoài ra, chúng còn giúp cho giáo viên tạo ra những ngữ cảnh mà ở đó ngôn ngữ thực hành rất hữu dụng và dễ hiểu với người học. Trong đề tài của mình, Th.S Đinh Thị Hương đã đề cập đến các lợi ích của việc sử dụng trò chơi ngôn ngữ, các loại trò chơi thường được sử dụng trong giảng dạy ngoại ngữ nói chung, và tiếng Anh nói riêng. Bên cạnh đó, tác giả còn đưa ra một số gợi ý hữu ích cho giáo viên trong việc áp dụng trò chơi này.

 Hội đồng đã nghe  Th.S Đinh Thị Hương, Chủ nhiệm đề tài - trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

Đề tài được thực hiện trong 10 tháng với các nội dung sau:

- Chương 1. Mở đầu

- Chương 2. Phát âm, tầm quan trọng của phát âm; nội dung của việc dạy phát âm; sử dụng các trò chơi ngôn ngữ trong dạy phát âm cho sinh viên.

- Chương 3. Triển khai các phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu

Hiệu quả của việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ làm nâng cao hiệu quả phát âm tiếng Anh chính xác.

Hiệu quả của việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ góp phần khắc sâu ý nghĩa của từ vựng và cú pháp Tiếng Anh.

Vai trò của các trò chơi và các hoạt động tích cực trong hoạt động phát âm tiếng Anh chính xác.

- Chương 4. Kết luận

- Chương 5. Kiến nghị

Hiện nay, tiếng Anh được sử dụng ở hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống và nó được coi là ngôn ngữ quốc tế số một trên thế giới. Vì thế, việc học và sử dụng tiếng Anh ngày càng tăng. Ở Việt Nam, tiếng Anh ngày càng chiếm vị trí quan trọng và đang là môn ngoại ngữ được sử dụng phổ biến nhất. Trước đây, việc giảng dạy ngôn ngữ chủ yếu chú trọng vào cấu trúc câu và ngữ pháp. Người học tiếng Anh thành công hay thất bại phụ thuộc vào khả năng nắm vững các quy tắc về ngữ pháp và cấu trúc câu tiếng Anh. Ở thời điểm đó, việc giảng dạy ngoại ngữ bị chi phối bởi phương pháp dạy truyền thống, trong đó giáo viên là người chi phối mọi hoạt động dạy và học trên lớp và môi trường học tập chủ yếu là môi trường lấy người dạy làm trung tâm.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, phương pháp dạy học cũng thay đổi theo để đáp ứng nhu cầu sử dụng thành thạo các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh ngày càng tăng. Chính nhu cầu này đã tạo ra đòi hỏi cao về chất lượng giảng dạy, cũng như về các nguồn và tài liệu phục vụ giảng dạy ngôn ngữ. Ngoài ra, nhu cầu về phương pháp giảng dạy phù hợp hiện nay cũng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính vì thế, phương pháp dạy ngoại ngữ hiện nay đã chuyển từ đường hướng lấy người dạy làm trung tâm sang đường hướng lấy người học làm trung tâm. Ở đó, người học được giao tiếp trong môi trường giao tiếp thực sự, được hoạt động theo cặp, hay theo các nhóm nhỏ để thực hiện các công việc cụ thể. Người học có cơ hội được bày tỏ ý kiến hay cảm xúc của mình và được đặt câu hỏi nếu họ không hiểu vấn đề nào đó.

Thực tế, trong dạy và học ngoại ngữ, sinh viên sẽ học hiệu quả hơn nếu họ được học trong bầu không khí học tập vui vẻ, thư giãn và có nhiều cơ hội được giao tiếp trong bối cảnh của thế giới thực. Việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ là một trong những phương pháp hữu hiệu có thể làm tăng động cơ học tập cho sinh viên, một trong những yếu tố quyết định đến thành công trong việc học ngoại ngữ của họ. Đồng thời, chúng giúp và khích lệ sinh viên duy trì việc học và sự hứng thú của họ với việc học. Ngoài ra, chúng còn giúp cho giáo viên tạo ra những ngữ cảnh mà ở đó ngôn ngữ thực hành rất hữu dụng và dễ hiểu với người học. Người học muốn tham gia vào trò chơi thì họ phải hiểu người khác đang nói gì hay đã viết gì, và họ phải nói ra hoặc viết ra được những điều để trình bày quan điểm riêng của họ hay để trình bày thông tin cho người khác hiểu. Các trò chơi ngôn ngữ có thể được sử dụng để phát triển cả bốn kỹ năng cho sinh viên: Nghe, Nói, Đọc và Viết. Bên cạnh đó còn có những trò chơi phát triển vốn từ vựng, và cải thiện cách phát âm. Các trò chơi còn được áp dụng cho các sinh viên khác nhau ở mỗi trình độ khác nhau.

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là mang lại kiến thức bổ ích cho giáo viên tiếng Anh trong quá trình dạy tiếng Anh cho sinh viên. Đồng thời khẳng định đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy Tiếng Anh. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài chi như lỗi đánh máy, in ấn...

Đồng thời, Th.S Đinh Thị Hương đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu; đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiêm thu đã chỉ ra, giúp tác giả  tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.

Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, Th.S Phạm Thị Hòa, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của giáo trình. Th.S Phạm Thị Hòa yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật