Quá trình phát triển quan điểm của Đảng về văn hóa

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta đều kịp thời đề ra chủ trương, đường lối xây dựng, phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn đất nước. Các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, phát triển văn hóa đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm tiến bộ trên thế giới về văn hóa vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, phản ánh quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.

1. Từ năm 1930 đến năm 1960

Đây là thời kỳ Đảng ta xác lập và hiện thực hóa đường lối xây dựng một nền văn hóa mới, nền văn hóa được cơ cấu lại theo lập trường văn hóa mác xít, với mô hình và tính chất mới chưa từng xuất hiện trong lịch sử văn hóa dân tộc: dân tộc - khoa học - đại chúng. Ngay từ những năm 1930, vấn đề văn hóa đã được Đảng ta chú trọng trong các cuộc vận động cách mạng, nổi bật như cuộc đấu tranh về học thuyết, tư tưởng và các tông phái văn nghệ để khẳng định quan điểm duy vật và nghệ thuật vị nhân sinh. Tuy nhiên, phải đến Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, vấn đề văn hóa mới được xem xét một cách có hệ thống.

Trước tiên, văn hóa được hiểu là bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Nếu hiểu theo quan niệm của C.Mác “văn hóa là toàn bộ những thành tựu được tạo ra nhờ hoạt động sáng tạo của con người (1), thì cách hiểu này chưa đủ chiều rộng, cũng chưa có điều kiện đi sâu vào bản chất của văn hóa. Do vậy, phần lớn nội dung Đề cương văn hóa tập trung vào việc đề ra nhiệm vụ của cách mạng văn hóa Việt Nam, của người chiến sĩ văn hóa mác xít - điều kiện tiên quyết bảo đảm sự thắng lợi cho cách mạng: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội” (2).

Về vai trò, vị trí của văn hóa: được coi là một trong ba lĩnh vực chính của đời sống xã hội (văn hóa, kinh tế, chính trị) và có quan hệ mật thiết với các lĩnh vực này. Vì thế, “không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa” (3). Văn hóa được xem là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Lúc này, với chức năng giáo dục, nhận thức văn hóa sẽ có khả năng đoàn kết, tập hợp lực lượng và cổ vũ cho phong trào cách mạng.

Đề cương giải thích dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Khoa học hóa được xác định là “chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”, là nguyên tắc có ý nghĩa thời đại, nó bổ sung sự thiếu hụt của nền văn hóa truyền thống. Một nền văn hóa phát triển phải dựa trên chuẩn mực của cái đúng, của luật pháp, của các quy luật khách quan. Đại chúng hóa cũng là một thuật ngữ mới, nhưng không lạ. Đề cương giải thích rõ: đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. Đại chúng hóa là yêu cầu xây dựng một nền văn hóa mới hướng tới các giá trị phổ quát nhất cho số đông người, đồng thời cũng là những giá trị phải được tạo ra bởi số đông nhân dân - lực lượng làm nên lịch sử. Một nền văn hóa khai phóng, khuyến khích được sức sáng tạo, tư duy của đông đảo nhân dân, của cả cộng đồng mới là một nền văn hóa giàu có và đa dạng. Quan điểm này, mãi đến năm 1976 mới được Liên hợp quốc quan tâm khi UNESCO thông qua Khuyến nghị về sự tham gia của quần chúng nhân dân vào đời sống văn hóa, công nhận văn hóa là sản phẩm của các cá nhân, các nhóm, cộng đồng người trong xã hội, chứ không chỉ giới hạn ở hoạt động tư duy (khoa học) và sáng tạo nghệ thuật của một giới tinh hoa như cách hiểu trước đây.

Tuy vậy, chỉ với những nội dung khái quát, ngắn gọn, bản đề cương không thể đi sâu xem xét mọi vấn đề của văn hóa, càng không thể đề cập đến những vấn đề đang đặt ra ngày hôm nay. Nhưng, vượt qua những bất cập mang tính lịch sử như Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng định: “Vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam…” (4), Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một tình huống đặc biệt của lịch sử, trong một thời điểm trọng đại của lịch sử, đã làm tròn trách nhiệm lịch sử đặt ra. Đây chính là “sự tiếp tục trong mạch sâu một tiến trình đã diễn ra từ đầu thế kỷ với công đóng góp của nhiều thế hệ” (5).

2. Từ năm 1960 đến trước năm 1986

Từ Đại hội III, 1960, Đảng ta xác định: xây dựng nền văn hóa nghệ thuật có nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc. Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, V của Đảng chỉ rõ, nhiệm vụ trung tâm của cách mạng văn hóa trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước là xây dựng nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Xã hội chủ nghĩa ở đây là một xã hội mà “trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho tất cả mọi người” (6). Nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc của văn hóa được xác lập trên 4 phương diện cơ bản: văn hóa lao động gắn với ý thức mình vì mọi người, mọi người vì mình; văn hóa giao tiếp bình đẳng; văn hóa gia đình hạnh phúc; văn nghệ miêu tả hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cũng như giai đoạn trước, văn hóa hướng đến xây dựng con người, đề cao phẩm giá, năng lực con người nhưng chưa phải là con người cá nhân thực sự, mà là con người cộng đồng, con người mang tất cả vẻ đẹp của cộng đồng, vì lý tưởng cộng đồng, con người cách mạng. Đó là con người của một thời mà cả nước có chung khuôn mặt, có chung tiếng nói.

3. Từ năm 1986 đến nay

Đây là giai đoạn đất nước đổi mới, khắc phục những sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, tìm tòi những hướng đi phù hợp để đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đổi mới trên lĩnh vực văn hóa trước hết là đổi mới tư duy về văn hóa, là xây dựng một hệ thống lý luận văn hóa cho một giai đoạn cách mạng mới. Nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc đã có những đóng góp thực sự lớn lao cho cách mạng Việt Nam giai đoạn 1960-1975, nhưng khi đất nước độc lập, thống nhất, trước những yêu cầu nhiệm vụ mới, nền văn hóa này không đủ điều kiện tạo năng lượng cho cuộc cải tạo xã hội mới, nhất là điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trước đó, “cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong khi đạt được một số mục tiêu cơ bản về mặt chính trị, đồng thời cũng làm mất mát khá nhiều giá trị đạo đức truyền thống... dẫn đến hội chứng suy thoái nhiều quan hệ văn hóa” (7).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nền văn hóa, văn nghệ đều hướng đến xây dựng những con người mang vẻ đẹp, lý tưởng cộng đồng, những con người vì lý tưởng chung mà luôn sẵn sàng hy sinh đời sống cá nhân. Trong điều kiện hòa bình, xã hội phải tạo điều kiện để mỗi cá nhân được phát triển tự do, được sống đời sống riêng của mình. Xuất phát từ chiến lược con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động, Đại hội lần thứ VI của Đảng xác định mục tiêu: “Mỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân” (8).

Quá trình phát triển kinh tế khiến cho mọi hoạt động của con người, trong đó có các hoạt động văn hóa trở nên sôi động, phong phú hơn. Nếu cơ chế thị trường làm cho con người trở nên năng động, tự do hơn thì mặt trái của nó cũng dễ làm suy thoái nhân cách hơn. Vấn đề đặt ra là phải ngăn chặn được các khuynh hướng phản nhân văn của nền kinh tế thị trường và các biểu hiện tiêu cực trong các quan hệ văn hóa. Sang Đại hội VII, quan điểm về văn hóa và phát triển văn hóa của Đảng ta có nhiều điểm phát triển quan trọng. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) xác định mô thức văn hóa thời kỳ đổi mới với hai đặc trưng cơ bản là: tiên tiếnđậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, văn hóa lần đầu tiên được quan niệm “là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội” (9). Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa VII, nhiệm vụ trung tâm của văn hóa, văn nghệ được Đảng ta xác định là “góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh” (10).

Cũng trong giai đoạn này, bên cạnh môi trường gia đình, lần đầu tiên vai trò của các môi trường học tập, lao động… có văn hóa trong việc bồi dưỡng hình thành con người mới được đặc biệt chú trọng. Đề ra hai nhiệm vụ mới là tạo ra môi trường văn hóa của chủ nghĩa xã hội và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân là những bổ sung rất quan trọng vào hệ thống lý luận văn hóa của Đảng. Tuy nhiên, phải đến Đại hội VIII, đặc biệt là tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, hệ thống lý luận văn hóa thời kỳ đổi mới của Đảng mới cơ bản được hoàn thiện. Trong đó, các vấn đề văn hóa cũng được xem xét một cách cụ thể, có hệ thống.

Thứ nhất, vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển xã hội đã được nhìn nhận xứng đáng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”. Đây là luận điểm mới mẻ, sáng tạo nói lên mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và sự phát triển, nhấn mạnh vị thế, vai trò của văn hóa đối với chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Văn hóa là yếu tố nội sinh, là động lực của sự phát triển.

Thứ hai, Đảng ta không chỉ xác định mô hình mà còn chỉ rõ đặc trưng tiên tiếnbản sắc dân tộc của văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII phân tích rõ: cốt lõi của nền văn hóa tiên tiến và nội dung cơ bản của bản sắc văn hóa Việt Nam, “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước” (11).

Thứ ba, nền văn hóa được xem xét cơ bản toàn diện, đồng bộ. Một số phương diện như: đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, hoạt động văn hóa đã được phân tích thấu đáo. Các lĩnh vực văn hóa cũng được đề cập cụ thể, trực diện như: tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn học, nghệ thuật, báo chí, truyền thông, di sản văn hóa, văn hóa tôn giáo…, từ đó đề ra các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển nền văn hóa một cách cụ thể, đồng bộ.

Thứ tư, Đảng ta xác định: xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước hết là phải xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam và môi trường văn hóa. Con người vừa là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử, vừa là chủ thể của tiến trình lịch sử, “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Như vậy, con người là chủ thể của văn hóa, đồng thời cũng là sản phẩm của văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã gắn xây dựng nền văn hóa với xây dựng con người khi nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Quan điểm này một lần nữa được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010, với một tổng kết gọn gàng nhưng sâu sắc, có thể đã khái quát rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của xây dựng, phát triển văn hóa là: “nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân” (12).

Tuy nhiên, sau hơn mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, bên cạnh những thành tựu quan trọng, Đảng ta nhận định rõ một số hạn chế, thiếu sót lớn trong xây dựng văn hóa con người như: sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội là rất nghiêm trọng; môi trường văn hóa còn tình trạng thiếu lành mạnh… Trên cơ sở đó, Nghị quyết Hội nghị trung ương 9 khóa XI của Đảng tiếp tục điều chỉnh, bổ sung hệ thống lý luận văn hóa và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên.

Đồng thời với việc tiếp tục khẳng định những quan điểm, luận điểm đúng đắn của nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, năm quan điểm nêu trong nghị quyết thể hiện sự hoàn thiện nhận thức của Đảng về tính chất, đặc trưng của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết cũng xác định đầy đủ, sâu sắc hơn vai trò của văn hóa với tư cách là nguồn lực, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước (chứ không chỉ là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển, như Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII xác định). Nghị quyết đã làm rõ đặc trưng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học - những đặc trưng phản ánh định hướng giá trị chung trong xây dựng phát triển văn hóa đất nước thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa - con người, văn hóa - chính trị, văn hóa - kinh tế, văn hóa - đối ngoại… cũng được làm sáng tỏ hơn.

Hơn 88 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, trước những đòi hỏi khác nhau của thực tiễn đất nước, tư duy của Đảng về văn hóa, về các nội dung xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc cũng có những bước điều chỉnh, đổi mới khác nhau, nhưng tinh thần coi trọng văn hóa, mục tiêu xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Với bản lĩnh và trí tuệ sắc bén, với tinh thần đổi mới, phát triển, Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến những thành công mới.

_____________

1. Mác-Ăngghen, Toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.137.

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.316-321.

4. Trường Chinh, Tuyển tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.559.

5. Phong Lê, 50 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr.69.

6. Mác-Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.628.

7. Đỗ Huy (chủ biên), Văn hóa mới Việt Nam, sự thống nhất và đa dạng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr.23.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.24.

9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng từ đổi mới đến nay, Nxb Chính trị Quốc gia, 2014.

11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr.738, 738.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : LƯƠNG HUYỀN THANH

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an