Nghiệm thu đề tài khoa học Phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

Sáng ngày 15 tháng 12 năm 2017, Hội đồng khoa học Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học Phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An của Th.S Võ Thị Thúy Ngọc, giảng viên khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch.

Hội đồng đã nghe Th.S Võ Thị Thúy Ngọc, Chủ nhiệm đề tài - trình bày tóm tắt báo cáo kết quả nghiên cứu.

Trong thời kỳ “bùng nổ thông tin”, hoạt động phát triển kiến thức thông tin có vai trò rất lớn. Trong giáo dục, phát triển phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên chính là chìa khóa thực hiện thành công mục tiêu giáo dục của Đảng và Nhà nước: “trang bị cách học, phát huy tính chủ động, sáng tạo cho người học”. Công tác phát triển phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An hiện nay còn mang tính tự phát, chưa có sự phối hợp giữa cán bộ thư viện và giảng viên, trình độ phát triển kiến thức thông tin của sinh viên còn hạn chế. Những vấn đề nêu trên đã gợi cho tác giả ý tưởng lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An" với mong muốn lý giải các vấn đề cả về lý luận và thực tiễn trong công tác phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên, xây dựng mô hình phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên phù hợp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường trong thời kỳ mới.

Ở Việt Nam, hoạt động đào tạo người dùng tin đã diễn ra từ lâu tại các thư viện đại học. Năm 2004, tác giả Nguyễn Thị Lan Thanh và Nguyễn Tiến Hiển công bố tài liệu “Hướng dẫn sử dụng thư viện thông tin”. Công trình này đề cập đến 2 nội dung quan trọng có liên quan đến kiến thức thông tin là phương pháp tra cứu thông tin và phương pháp đọc, ghi chép tài liệu, biên soạn thư mục.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trực tiếp đề cập đến kiến thức thông tin mới bắt đầu thu hút được sự quan tâm của một số tác giả trong những năm gần đây. Năm 2006, Khoa Thông tin Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học về kiến thức thông tin với 21 tham luận. Các nghiên cứu này bước đầu khẳng định sự quan tâm của giới thư viện Việt Nam với vấn đề phát triển kiến thức thông tin. Nội dung các tham luận đã nêu được khái niệm và các thành tố của kiến thức thông tin và phân tích vai trò của kiến thức thông tin trong đổi mới công tác dạy và học, đặc biệt là trong việc hình thành các kỹ năng thông tin cho sinh viên. Các nghiên cứu này góp phần giúp các nhà quản lý, cán bộ thư viện và các nhà giáo dục ở Việt Nam tiếp cận đầy đủ hơn vấn đề kiến thức thông tin và vai trò của nó đối với nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Năm 2011, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố Kỷ yếu hội thảo khoa học về “Nội dung và phương pháp thực hiện các khóa huấn luyện kỹ năng thông tin cho độc giả”.

Ngoài ra, còn một số nghiên cứu khác được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Các nghiên cứu này chủ yếu tìm hiểu nội dung khái niệm, vai trò của kiến thức thông tin. Các công trình tiêu biểu như: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến kiến thức thông tin ở Việt Nam” của tác giả Lê Văn Viết; “Vai trò của thư viện trong việc phổ biến kiến thức thông tin” của tác giả Trương Đại Lượng.

Đáng chú ý là hai luận án nghiên cứu về kiến thức thông tin trong các trường đại học ở Việt Nam của tác giả Diệp Kim Chi và Nghiêm Xuân Huy. Các nghiên cứu này đã có những đóng góp cụ thể về mặt lý luận và thực tiễn cho việc nghiên cứu kiến thức thông tin trong môi trường đại học Việt Nam.

Qua việc phân tích các nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài, có thể nhận định vấn đề phát triển kiến thức thông tin đã được khá nhiều tác giả nghiên cứu. Những công trình này thường được sử dụng để tham khảo về nội dung, các chuẩn, các hướng dẫn cũng như các mô hình giáo dục kiến thức thông tin cho sinh viên. Thông qua các nghiên cứu này cán bộ thư viện có thể học tập, rút kinh nghiệm khi áp dụng vào phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên. Tuy nhiên, các công trình này còn nặng về nghiên cứu lý thuyết, chưa đưa ra ý tưởng tích hợp kiến thức thông tin vào chương trình đào tạo và sự phối hợp giữa Giảng viên với cán bộ thư viện trong việc phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên ở một trường học, một thư viện cụ thể và đề xuất các giải pháp hiện thực hóa mô hình phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên.

Những vấn đề này sẽ được giải quyết trong đề tài “Phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An”.

Nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài là:

Nghiên cứu cơ sở lý luận về phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên.

Khảo sát thực trạng công tác phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

Đánh giá thực trạng kiến thức thông tin của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

Đề xuất các giải pháp phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, đề tài được kết cấu thành ba chương.

Chương 1. Cơ sở lý luận về kiến thức thông tin.

Chương 2. Thực trạng công tác phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

Chương 3. Giải pháp phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài. Đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy bộ môn. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài chế như một số lỗi chính tả, các bảng biểu cần có chú thích số liệu, cần bổ sung, làm rõ bộ giải pháp...

Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại Tốt. Kết luận phiên nghiệm thu, TS Phạm Mai Chiên, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài và yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Bài viết mới