Đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và Du lịch ở Nghệ An

Nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và Du lịch ở Nghệ An

Thực trạng nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch ở Nghệ An cho thấy, nhu cầu đào tạo đại học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch ở Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung bộ là rất lớn. Mặt khác, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh, nhu cầu đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo mới nguồn lao động có trình độ đại học và sau đại học cho các lĩnh vực trên ở Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ ở giai đoạn 2010 - 2020 cũng rất đáng kể. Tại Đề án “Phát triển cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định 6980/QĐ-UBND.VX ngày 12/12/2014 của UBND tỉnh, đến năm 2020, nhu cầu lao động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch của Nghệ An là 387.150 người. Riêng tại địa bàn Nghệ An, nhu cầu đào tạo đã chiếm 80% quy mô thiết kế Trường Đại học Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Vinh.

Dự báo trong 10 năm tới, nhu cầu đào tạo ở bậc Cao đẳng, Đại học và sau Đại học của các nhóm ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch dự kiến như sau:

2.3.2.1. Nhóm ngành nghệ thuật: thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ, nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, nghệ thuật biểu diễn dân ca

Đây là nhóm ngành đào tạo truyền thống, đã và đang đào tạo ở bậc trung cấp và cao đẳng, quy mô đào tạo khi lên đại học ở mức trung bình (150 SV/ năm), tập trung đào tạo tài năng nghệ thuật, ứng dụng trong nhạc nhẹ, tốp nhạc biểu diễn.

Nhóm ngành nghệ thuật biểu diễn âm nhạc, sân khấu chịu sự tác động của kinh tế thị trường mạnh mẽ, các đoàn nghệ thuật của nhà nước ít hơn, nhưng các câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật dân lập biểu diễn theo hướng xã hội hoá nhiều hơn. Do vậy, việc đào tạo theo nhu cầu đa dạng hơn. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí tại các câu lạc bộ cộng đồng ở làng, xã, phố, phường, đơn vị hành chính, doanh nghiệp, có tính xã hội hoá cao và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Các đoàn nghệ thuật, nhà hát mang tính chuyên nghiệp sẽ ổn định và có chức năng định hướng, có chất lượng cao, tập trung ở một số đô thị, khu kinh tế. Số lượng đào tạo chuyên nghiệp so với các ngành trên ít hơn, nhưng đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn nhiều lên.

Đây là nhóm ngành có tác động xã hội về tuyên truyền và giáo dục thẩm mỹ đặc biệt.

Dự báo trong 10 năm tới:

* Nghệ An có khoảng 500 việc làm cần đào tạo ở bậc Cao đẳng và Đại học các ngành nghệ thuật biểu diễn, sân khấu.

2.3.2.2. Nhóm ngành sư phạm nghệ thuật

Thuộc nhóm ngành đào tạo truyền thống (đã và đang đào tạo ở bậc trung cấp và cao đẳng), khi lên đại học tập trung đào tạo bậc đại học cho khối cán bộ thuộc hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, một số trường trung học phổ thông các ngành: Sư phạm Nhạc – Họa – Mầm non, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, Khoa học Thư viện.

Nghệ An hiện có trên 2000 giáo viên âm nhạc và mỹ thuật (trung bình chung 2 GV/ trường), trong đó có 32% trình độ đại học, 43% trình độ cao đẳng, còn lại là trình độ trung cấp.

* Trong 10 năm tới cần chuẩn hoá bậc đại học ngành Sư phạm âm nhạc và Sư phạm mỹ thuật là 1.000 người.

2.3.2.3. Nhóm ngành Nghiệp vụ văn hóa

a) Ngành Quản lý văn hóa

Đào tạo cán bộ cho 21 phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch, 21 Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, các cơ quan quản lý Văn hóa Thể thao và Du lịch, Quản lý giáo dục cấp huyện... Nghệ An có 480 xã, phường, thị trấn; cần 480 cán bộ uỷ viên văn hoá xã hội.

Hiện nay, Nghệ An có hơn 1000 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp huyện và công chức văn hóa- xã hội cấp xã nhưng mới chỉ có 593 cán bộ có chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch (trong đó có 216 cán bộ có trình độ đại học). Về trình độ chuyên môn, hiện đã đạt 32% có trình độ đại học (chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch và các chuyên ngành khác), 12% trình độ cao đẳng, còn lại có trình độ trung cấp.

* Trong 10 năm tới cần chuẩn hoá bậc đại học Quản lý văn hóa là: 1.000 chỉ tiêu.

b) Ngành Khoa học Thư viện

Nghệ An có 21 thư viện cấp tỉnh, huyện và tương đương, trên 400 thư viện cấp xã, trên 2.000 trường học ở các cấp học đều có Thư viện - thiết bị trường học.

* Trong 10 năm tới cần chuẩn hóa bậc đại học Thư viện - thiết bị trường học là: 2.000 chỉ tiêu.

2.3.2.4. Nhóm ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội

a) Ngành Đồ họa

Đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo các kỹ thuật viên đồ hoạ điện tử có thể sản xuất các sản phẩm mỹ thuật quảng cáo, ấn phẩm văn hoá, tem, nhãn bao bì công nghiệp, trang trí hàng , bao bì hàng hoá công nghiệp và thương mại.

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 2.000 chỉ tiêu.

b) Ngành Điêu khắc

Đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, chuyên ngành điêu khắc đá, gỗ mỹ nghệ. Tượng đài, tranh hoành tráng, chạm khắc đá, kim loại, trang trí kiến trúc, tôn tạo đình, chùa, lăng mộ, di tích văn hóa - lịch sử...

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 1.000 chỉ tiêu.

c) Ngành Thiết kế thời trang

Đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, ngành Thiết kế thời trang là ngành phục vụ cho nhu cầu phục trang, nhu cầu thẩm mỹ... Chương trình đào tạo thích ứng yêu cầu công nghệ sản xuất thời trang thế giới và Việt Nam; đào tạo các nhà thiết kế mẫu nghệ thuật thời trang; nhà thiết kế thời trang dân dụng, thời trang thương mại...

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 2.000 chỉ tiêu.

d) Ngành Thiết kế nội thất

Đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo các chuyên gia sản xuất và thi công các công trình bề mặt kiến trúc, trang trí không gian bên ngoài công trình kiến trúc, khuôn viên, đường phố, quảng trường, tham gia quy hoạch không gian kiến trúc...

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 1.000 chỉ tiêu.

2.3.2.5. Lĩnh vực đào tạo Du lịch

a) Ngành Việt Nam học (Hướng dẫn Du lịch)

Đào tạo Hướng dẫn viên có trình độ cao đẳng và đại học, có kỹ năng giao tiếp, có kiến thức văn hóa Việt Nam và thế giới, năng lực sử dụng 1 ngoại ngữ trong du lịch, năng lực quản trị lữ hành, đào tạo cho gần 700 cơ sở kinh doanh du lịch ở Nghệ An với quy mô mỗi cơ sở 05 chỉ tiêu.

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 3500 chỉ tiêu.

b) Ngành Quản trị khách sạn - nhà hàng

Đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo chuyên viên quản lý hoạt động sản xuất hàng ngày, tổng hợp thông tin kinh doanh và tham mưu kế hoạch kinh doanh, chiến lược kinh doanh cho lãnh đạo doanh nghiệp (ước tính cho 1200 cơ sở).

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 2.000 chỉ tiêu.

c) Ngành Quản trị kinh doanh lữ hành

Đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo lao động chuyên nghiệp về quản lý, điều hành hoạt động thị trường du lịch, chiến lược thị trường, quảng bá và maketting lữ hành (ước tính cho 1200 cơ sở).

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 2.000 chỉ tiêu.

d) Ngành kỹ thuật chế biến món ăn

Đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo các kỹ thuật viên chế biến món ăn Việt Nam, châu Âu, bánh Âu. Có kỹ năng về khoa học và nghệ thuật ẩm thực (ước tính cho 1200 cơ sở).

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 4.000 chỉ tiêu.

đ) Ngành Thư ký văn phòng

Đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo kỹ thuật viên văn phòng thành thạo kỹ năng tin học, giao tiếp, sử dụng tốt các thiết bị văn phòng, có năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch công tác, kiểm soát thông tin và tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan hành chính (ước tính cho 1000 cơ sở).

* Trong 10 năm tới cần đào tạo ở trình độ đại học cho ngành là: 1.000 chỉ tiêu.

Đối với các ngành văn hóa, nghệ thuật và du lịch, nhu cầu đào tạo ở Nghệ An nói riêng, trên cả nước nói chung cũng rất cao, trong khi số trường đại học đào tạo các ngành này còn quá ít. Thực trạng đó cho thấy, việc ra đời các trường đại học về văn hóa, nghệ thuật và về du lịch là cần thiết. Nâng cấp một trường Cao đẳng đã đủ chuẩn về các tiêu chí theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ít phức tạp hơn so với việc mở trường mới, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập của con em ở các vùng miền.

 Nhu cầu về lao động các lĩnh vực Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch ở các tỉnh khác ở Bắc Trung bộ

Nghệ An có mối quan hệ truyền thống với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Giữa các tỉnh có sự tương đồng nhiều mặt về các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội.

Phía Bắc Nghệ An tiếp giáp tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên tỉnh Thanh Hóa đang theo học trường tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Ngoài ra, một số sinh viên thuộc các tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình… cũng chọn mái trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An là nơi chắp cánh ước mơ.

Phía Nam Nghệ An tiếp giáp Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đây là những tỉnh có quan hệ mật thiết với Nghệ An, không chỉ tương đồng về cảnh quan tự nhiên, khí hậu... mà trong lịch sử và văn hoá cũng có khá nhiều điểm tương đồng. Nhiều học sinh, sinh viên các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng bình, Quảng Trị hiện nay theo học các chuyên ngành tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

Thực trạng chất lượng nguồn lao động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ về cơ bản có khá nhiều điểm giống với Nghệ An. Đó là nguồn lực lao động văn hóa, nghệ thuật và du lịch còn thấp, nhu cầu cầu đào tạo lao động cho hai khối cán bộ công chức, viên chức và lao động xã hội ở bậc đại học là rất lớn. Nhu cầu đào tạo ở trình độ đại học khối cán bộ công chức, viên chức lĩnh vực sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, quản lý văn hoá, quản lý du lịch ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ước tính là: 25.000 người. Nhu cầu đào tạo ở trình độ đại học khối lao động, dịch vụ xã hội: biểu diễn âm nhạc, sân khấu, thiết kế quảng cáo đồ hoạ, trang trí hoàn thiện bề mặt kiến trúc, nội thất, điêu khắc mỹ nghệ, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn du lịch ước tính là: 50.000 người.

Trong nhiều năm qua, học sinh, sinh viên các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị theo học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An khoảng 100 học sinh, sinh viên / năm.

Xác định số lượng sinh viên các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị là 20% quy mô của Trường Đại học Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Vinh.

Bài viết mới