Công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học phục vụ hoạt động đào tạo ở trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

Thực hiện chủ chương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đang nỗ lực phấn đấu hết mình để đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Trong đào tạo Văn hóa Nghệ thuật hiện nay, mặc dù nhiều ngành học của nhà trường đã được chuyển sang giáo dục nghề nghiệp, công tác hướng dẫn thực hành là chủ đạo nhưng giáo trình, tài liệu dạy học vẫn có vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, tất cả các môn học và mô đun của các chương trình đào tạo, bên cạnh giờ lên lớp, giờ tự học của sinh viên khá nhiều. Đó là giờ làm bài tập và tự học, tự thực hành, tự nghiên cứu tài liệu ở nhà. Giờ giảng của giảng viên ít hơn so với cách học truyền thống, giảng viên chủ yếu đóng vai trò là người hướng dẫn, cố vấn, thúc đẩy việc tự học của sinh viên, giúp sinh viên hình thành kỹ năng tự học. Một giờ lên lớp đòi hỏi sinh viên phải có 2 hoặc 3 giờ nghiên cứu tài liệu, tự học, chuẩn bị bài, làm bài tập… ở nhà, ở thư viện... Về phía giảng viên phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật nội dung, đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá … Số tiết giảng ít hơn nhưng đòi hỏi hiệu quả giảng dạy phải cao hơn. Với điều kiện, phương tiện giảng dạy tốt hơn, giảng viên cần đầu tư thời gian nghiên cứu tài liệu, viết giáo trình, tài liệu tham khảo, hướng dẫn, chấm bài, sửa bài cho sinh viên. Để đáp ứng dạy và học trong giai đoạn hiện nay, cần có hệ thống học liệu đầy đủ, phong phú phục vụ cho quá trình tự học, tự nghiên cứu của cả giảng viên và sinh viên.

Xác định được vai trò của giáo trình, tài liệu dạy học trong đào tạo nghề nghiệp, Đảng ủy, Ban Giám Hiệu nhà trường đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, xác định công tác này là khâu đột phá của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Các khoa chuyên môn đã tiến hành rà soát lại hệ thống giáo trình, tập bài giảng đang sử dụng giảng dạy cho các hệ CĐ, TC đồng thời xác định những giáo trình cần chỉnh lý và biên soạn mới. Kết quả rà soát: cho nhà trường số liệu giáo trình nào cần chỉnh lý, giáo trình nào cần biên soạn mới. Đối với các giáo trình biên soạn mới, Hiệu trưởng nhà trường đã ký hợp đồng biên soạn từng giáo trình với Ban Biên soạn và lãnh đạo đơn vị biên soạn. Các đơn vị đã triển khai biên soạn và cơ bản hoàn thành vào năm học 2018 – 2019: về cơ bản các giáo trình các môn lý luận, đại cương đã hoàn thành.

Cùng với kế hoạch biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, nhà trường đã quan tâm hoàn thiện các quy định về quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đi vào nền nếp. Phòng Khoa học và Đối ngoại đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường; đã xây dựng hướng dẫn biên soạn giáo trình.

Ngoài hệ thống giáo trình, Ban Giám hiệu và các khoa chuyên môn còn quan tâm biên soạn hệ thống tài liệu như sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách hướng dẫn, tranh sưu tập, các bài hát, bản nhạc sưu tập… làm tài liệu giảng dạy, học tập. Đến nay, về cơ bản hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập của nhà trường. Chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của nhà trường cũng còn những tồn tại hạn chế như: Một số đơn vị còn nhiều giáo trình chậm tiến độ biên soạn, chỉnh lý; còn có môn học chưa có giáo trình giảng dạy; một số giáo trình chất lượng chưa cao, còn sơ sài; chưa triển khai biên soạn giáo trình điện tử, chưa có phim giáo khoa, giáo trình thực hành; tiến độ, chất lượng in ấn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ta; hệ thống tài liệu tham khảo chưa phong phú, đa dạng, chất lượng còn hạn chế.

Những tồn tại, hạn chế trên do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Đội ngũ giảng viên của nhà trường còn thiếu, chưa đáp ứng quy mô công việc hiện nay, nhiều giảng viên đang vừa làm vừa học, công việc quá tải nên chưa có thời gian thỏa đáng dành cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Do chuyển giao thế hệ nên hiện nay đa số là giảng viên trẻ, trình độ kinh nghiệm biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học còn hạn chế.

Điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, kinh phí dành cho công tác biên soạn giáo trình còn hạn chế, chưa hợp lý, chưa động viên khuyến khích thoả đáng cho công tác này.

Một số đơn vị, cá nhân chưa quan tâm đúng mức, chưa tâm huyết với công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Chưa có những biện pháp quyết liệt để thúc đẩy công tác biên soạn giáo trình, xử lý những đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Để thúc đẩy công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của nhà trường trong thời gian tới, các khoa chuyên môn, các đơn vị giảng dạy và đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cần quan tâm thực hiện những nội dung cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban hiệu, Cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị giảng dạy đối với công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Các đơn vị giảng dạy, các ban Biên soạn cần tập trung thực hiện theo đúng hợp đồng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đã ký với Nhà trường. Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa chuyên môn cần thường xuyên chỉ đạo sát sao công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này, đặc biệt là đảm bảo chất lượng và tiến độ biên soạn. Kế hoạch biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học phải được xây dựng và thực hiện nghiêm túc, kiểm điểm hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, từng kỳ học, năm học.

Hai là, các đơn vị giảng dạy cần quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức, đầu tư đào tạo năng lực viết giáo trình cho đội ngũ giảng viên.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trong công tác biên soạn giáo trình tài liệu dạy học. Xác định rõ giáo trình, tài liệu dạy học là công cụ, phương tiện, nguyên liệu của quá trình dạy học, thể hiện chất lượng, uy tín của nhà trường, của khoa, bộ môn cũng như cá nhân người giảng viên. Công tác này cần được quan tâm đầu tư thoả đáng, giảng viên phải là người tâm huyết với việc biên soạn, sưu tầm giáo trình, tài liệu dạy học. Lãnh đạo đơn vị, chủ biên cần làm hết trách nhiệm, quan tâm đào tạo, hướng dẫn các giảng viên trẻ lựa chọn nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu viết giáo trình, tài liệu dạy học; truyền cho họ lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề nghiệp. Từng cán bộ giảng viên cần không ngừng học tập nâng cao trình độ, kỹ năng biên soạn, thu thập, tích luỹ thông tin, tài liệu, nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Khai thác kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học sử dụng cho biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Các đề tài nghiên cứu khoa học của các đơn vị giảng dạy trước hết cần tập trung nghiên cứu những vấn đề mới phục vụ cho công tác giảng dạy và biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Cần huy động đội ngũ giảng viên thỉnh giảng tham gia viết giáo trình để giáo trình đảm bảo tính thực tiễn, tính cập nhật.

Ba là, các đơn vị giảng dạy cần rà soát, bổ sung, cập nhật, làm phong phú hệ thống giáo trình tài liệu cho từng môn học.

Thường xuyên rà soát để cập nhật, chỉnh lý những giáo trình đã lạc hậu. Nghiên cứu triển khai biên soạn giáo trình điện tử; tăng cường biên soạn giáo trình thực hành, phim giáo khoa; đặc biệt là những tài liệu có tính lý luận cao, những tài liệu về phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy văn hóa nghệ thuật các địa phương làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho giảng viên và học viên.

Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, có chế độ chính sách thoả đáng cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Nhà trường đầu tư kinh phí cho công tác in ấn, trả thù lao biên soạn cho tác giả và hỗ trợ cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Tạo điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho giảng viên thực hiện nhiệm vụ biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả in ấn giáo trình, khai thác giáo trình, tài liệu dạy học; tăng cường số hoá tài liệu, nâng cao hiệu quả tìm kiếm, khai thác tài liệu trong hệ thống mạng Lan của nhà trường; phục vụ tốt nhất cho giảng viên và học viên nghiên cứu tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập.

Năm là, tăng cường quản lý công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định, quy trình công tác quản lý giáo trình, tài liệu dạy học, sử dụng công cụ quản lý để thúc đẩy công tác này. Các khoa chuyên môn cần tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học; tham mưu cho Ban giám hiệu lựa chọn được các giảng viên có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết và có điều kiện tham gia biên soạn, hội thảo, thẩm định nghiệm thu giáo trình, tài liệu dạy học.

Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt, có ý nghĩa tham khảo cho các môn học, cần cho phép xuất bản thành tài liệu tham khảo.

Động viên khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân biên soạn được những giáo trình, tài liệu dạy học có chất lượng tốt, đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời cũng có biện pháp kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật