Nghiệm thu đề tài khoa học: Compare some cultural aspects in Vietnammese and English, and suggest implications for English teaching

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2017, sáng ngày 11 tháng 1 năm 2017, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương, Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học "Compare some cultural aspects in Vietnammese and English, and suggest implications for English teaching" của Th.S Bùi Thị Quỳnh Mai, giảng viên khoa Lý luận đại cương.

 Hội đồng đã nghe  Th.S Bùi Thị Quỳnh Mai, Chủ nhiệm đề tài - trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

Trong quá trình dạy tiếng Anh, giảng viên có sự liên hệ và nhấn mạnh sự giống và khác nhau giữa văn hóa Anh và văn hóa Việt là điều rất cần thiết. Việc làm này khiến cho giờ học tiếng Anh đỡ nhàm chán và hấp dẫn hơn, đặc biệt rất phù hợp với các đối tượng sinh viên các ngành văn hóa nghệ thuật. Chẳng hạn, giáo viên trong quá trình truyền đạt các bài khóa có các chủ đề khác nhau, giáo viên có thể so sánh điểm giống và khác nhau trong văn hóa của hai nước, chẳng hạn như việc ứng xử trong cuộc sống của người Anh và người Việt qua việc tặng quà, chảo hỏi, qua ăn uống...

- Tặng quà

Người Việt Nam sau khi được nhận thứ gì cũng thường mở ra khi vắng mặt người tặng, còn nếu mở ngay sau khi tặng sẽ bị coi là người sỗ sàng, thiếu tế nhị.

Người phương Tây sau khi được nhận quà gì, họ thường mở ra ngày trước mặt người tặng, cả người tặng quà cũng khuyến khích họ làm điều đó, vì như vậy mới bày tỏ được sự cám ơn đến thịnh tình của người tặng quà.

- Quy tắc “có đi có lại”

Người Việt Nam có câu “có đi có lại mới toại lòng nhau”, vì thế, mỗi khi được nhận thứ gì đó từ bất kỳ ai, người ta cũng đều tìm cách để cho, tặng lại thứ gì đó có giá trị tương đồng. Nếu làm trái lại sẽ bị coi là tham, là hành xử thiếu hiểu biết.

Còn người Tây, trái lại, họ coi quà tặng là một cách cảm ơn, nên không hề có hàm ý “có đi có lại”, và do đó họ thường không tặng lại, cũng không đòi hỏi người nhận quà phải tặng lại mình cái gì.

- Từ chối dứt khoát

Đối với người Việt Nam hay cả nể, việc trả lời “không” kèm theo thái độ dứt khoát không can dự vào việc nào đó thường dễ gây phật ý đối với người khác. Chính vì thế mà gây ra tâm lý dùng dằng, không quyết đoán của phần lớn người Việt.

Người Tây phương thường trả lời một cách dứt khoát, rõ ràng đối với những sự việc mà họ tự thấy không thể tham gia, hay không thích liên quan đến vấn đề nào đó. Cách xử sự này đôi khi khiến chúng ta thấy phật lòng, cho rằng họ thiếu “hữu nghị” với bạn bè.

- Chào hỏi

Người Việt gặp nhau thường chào hỏi bằng những câu thân mật như: “Anh/chị đi đâu thế?”, “Anh/chị được mấy cháu rồi?”... Với chúng ta, đó là cách để biểu thị sự quan tâm sâu sắc đến bạn bè, người thân, cho dù người được hỏi trả lời chiếu lệ, qua loa, họ cũng không trách nhau về việc đó.

Người phương Tây lại không thích dạng chào hỏi như trên, vì họ cho rằng như vậy là quá tò mò vào đời tư của họ. Người phương Tây gặp nhau đôi khi chỉ chào hỏi qua loa, có khi còn không kịp dừng lại chào hỏi.

- Ăn uống

Người Việt Nam có phong tục trọng khách, khi mời khách ăn uống tại nhà thường liên tục mời khách ăn uống, thậm chí gắp cho khách... Người Việt coi đó là cách bày tỏ thịnh tình cùng tấm lòng của gia chủ đến khách quý, khách đến chơi nhà cũng rất thích cách đối xử đó, nếu không được mời chào họ sẽ coi nhà chủ là không biết tiếp khách.

Người phương Tây là không thích kiểu mời mọc như trên, họ thích được tự do thích gì làm nấy, thích gì ăn nấy và hẳn nhiên là không thể nào “tự nhiên như ở nhà” khi đến nhà người khác, hay chịu ăn đồ ăn mà người khác gắp cho họ.

Từ những đặc điểm trên, có thể thấy, cách ứng xử của người Việt thiên về tế nhị, kín đáo, còn người phương Tây lại thẳng thắn, bộc trực trong mọi hành vi giao tiếp.

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Đề tài được triển khai theo ba chương:

- Tổng quan về văn hóa và ngôn ngữ Anh, Việt

- Vai trò của văn hóa trong dạy và học tiếng Anh (Mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ; vai trò của văn hóa trong dạy và học tiếng Anh; Ảnh hưởng của văn hóa đối với việc dạy ngôn ngữ; Ảnh hưởng của văn hóa trong dạy từ vựng; Ảnh hưởng của văn hóa vào kỹ năng nghe, nói, đọc, dịch...)

- Đề xuất kiến nghị các biện pháp đưa văn hóa vào dạy và học tiếng Anh

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là mang lại kiến thức bổ ích cho giáo viên tiếng Anh trong quá trình dạy tiếng Anh cho sinh viên. Đồng thời khẳng định đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy Tiếng Anh. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài chi như lỗi đánh máy, in ấn...

Đồng thời, Th.S Bùi Thị Quỳnh Mai đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiêm thu đã chỉ ra, giúp tác giả  tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.

 

Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, Th.S Phạm Thị Hòa, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của giáo trình. Th.S Phạm Thị Hòa yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Bài viết mới

Tin tức nổi bật