Đổi mới dạy và học nhằm giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp ra trường được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể làm đúng trình độ, bằng cấp, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội, nơi tiếp nhận họ làm việc. Việc chuyển đào tạo dựa theo khả năng có sẵn của nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu xã hội là một trong những chuyển biến quan trọng, cơ bản của giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay. Trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An cũng đang trong bước chuyển mình, vươn lên khẳng định vị thế của mình sau 55 năm hình thành phát triển và chuẩn bị những tiền đề vững chắc để trở thành trường đại học. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách của nhà trường trong giai đoạn hiện nay là: Đổi mới dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Vấn đề đổi mới dạy và học được nhà trường quan tâm, chú trọng đặc biệt. Hoạt động dạy và học được nhà trường xác định rõ tới từng giáo viên, cán bộ, sinh viên. Trường CĐ. VHNT Nghệ An là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà trong lĩnh vực nghệ thuật: Âm nhạc, Mỹ thuật, Múa… Dạy học đáp ứng nhu cầu xã hội thực chất là đào tạo “cung” đáp ứng “cầu” về lực lượng lao động xã hội như số lượng, chất lượng ở các lĩnh vực ngành nghề nói trên. Nhà trường chúng ta phải xác định rõ dạy học đáp ứng nhu cầu xã hội là tất yếu, phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường, phù hợp với xu thế phát triển của các cơ sở đào tạo. Sản phẩm đào tạo của nhà trường phải đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của sinh viên sau khi ra trường và học suốt đời. Vì vậy, Trường chúng ta phải đổi mới từ công tác tuyển sinh đầu vào, đến quá trình dạy, học và đầu ra. Từ đó phải đổi mới phát triển chương trình, đổi phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học. Chúng ta phải đổi mới đồng bộ các khâu của quá trình dạy học. Mục tiêu chương trình đào tạo nhà trường là đáp ứng việc làm, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nội dung chương trình đào tạo bao gồm kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức bổ trợ được thiết kế theo hướng tích hợp giữa các mảng kiến thức, kỹ năng, lý thuyết, thực hành. Phương pháp thực hiện chương trình lấy người học làm trung tâm phát huy vai trò tự học. Thực tế công tác dạy và học tại trường chúng ta trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tích cao trong công tác đào tạo nguồn nhân lực các mảng văn hoá nghệ thuật. Bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của nhà trường. Tại hội thảo này hướng tới kỷ niệm 55 năm thành lập trường, chuẩn bị những tiền đề vững chắc để trở thành trường ĐH, chúng tôi mạnh dạn đưa ra những giải pháp góp phần đổi mới dạy và học đáp ứng nhu cầu xã hội như sau:

1. Xây dựng quy hoạch, pháp triển nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề

Để sản phẩm đào tạo của nhà trường đáp ứng nhu cầu của xã hội, trường chúng ta phải bám sát quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nhà, của từng ngành nghề trong từng giai đoạn, trên cơ sở đó chúng ta xây dựng kế hoạch đào tạo. Xin chỉ tiêu, bồi dưỡng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, tránh tình trạng sinh viên học xong không xin được việc làm. VD: Sinh viên SPAN – SPMT học xong rất khó xin việc. Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực một phần phải dựa vào nguồn ngân sách cấp của Nhà nước, chúng ta phải huy động vốn, có chính sách tạo việc làm cho sinh viên, Trung tâm tư vấn việc làm cho sinh viên phải sớm đi vào hoạt động, có chính sách thu hút nhân tài, mở rộng liên kết đào tạo với các doanh nghiệp. VD: Ngành Du lịch liên kết với các trung tâm lữ hành du lịch, khách sạn, nhà hàng.

2. Hoàn thiện và phát triển chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực đào tạo. Ưu tiên chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn việc làm. Sinh viên ra trường không phải đào tạo lại hoặc dễ dàng thích nghi với điều kiện việc làm khác nhau. Chính vì vậy, trường ta phải chủ động trong việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình. Những năm gần đây, chúng ta đã quan tâm đến vấn đề này, đã cắt bỏ một số môn học lý thuyết, tăng giờ thực hành, đi thực tế. Bên cạnh đó một số môn học phải đưa vào để tăng tính hiệu quả của sản phẩm đào tạo.

3. Từng bước hoàn thiện chuẩn đầu ra

Chuẩn đầu ra vừa bám sát quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ, vừa phải thỏa mãn sự đòi hỏi của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước đồng thời khẳng định vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, khả năng học tập và tự học nâng cao trình độ sau khi ra trường.

4. Đổi mới phương pháp dạy và học

Để đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực, mục tiêu của nền giáo dục hiện đại phải tập trung vào việc phát triển tối đa năng lực của người lao động. Chính vì vậy, phương pháp dạy học cũng được đổi mới theo xu hướng nâng cao tính tích cực chủ động, tự chủ, độc lập, sáng tạo của sinh viên. Phương pháp dạy học hiện đại hướng vào việc tăng cường tổ chức cho sinh viên hoạt động tự học, tự nghiên cứu, tạo kỹ năng và thói quen tự học để có thể học thường xuyên và học suốt đời. Khai thác tiềm năng trí tuệ của các bạn sinh viên. Tăng cường sử dụng các thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Đổi mới kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của sinh viên. Đối với các bạn sinh viên là chủ thể có ý thức trong hoạt động học tập và rèn luyện thực hành, các bạn cần phải ghi nhớ ba điều kiện để học tập thành công đó là người học có nhu cầu học tập, quyết tâm học tập và có phương pháp học tập tốt. Phương pháp học tập tốt là phương pháp học tập tích cực chủ động tìm tòi thông tin, tham gia vào các hoạt động thực hành, nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu bản chất của các vấn đề học tập, biết hệ thống hóa, ghi nhớ kiến thức và biết vận dụng kiến thức đã học.

5. Nâng cao năng lực dự báo giáo dục

Dự báo làm tiền đề cho việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Nhà trường chúng ta phải khảo sát, tìm tòi cung cầu lao động của các lĩnh vực mà chúng ta đào tạo. Để từ đó xây dựng chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đã mở được một số mã ngành đào tạo trung cấp nghề du lịch nhưng tại sao vẫn không có sinh viên tham gia học. Tại sao, những năm gần đây sinh viên học ngành Mỹ thuật quá ít? Hỗ trợ đánh giá chất lượng việc làm của sinh viên ra trường. Hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm thông qua hệ thống thông tin và mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và người sử dụng lao động, bằng chính sách và kế hoạch tuyển dụng. Đánh giá chất lượng sinh viên ra trường nhằm điều chỉnh hoàn thiện chương trình đào tạo để sản phẩm đào tạo của chúng ta đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chúng tôi thiết nghĩ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên là nhiệm vụ cũng là mục tiêu quan trọng của nhà trường chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Đức Chính (2001), Mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Quản lý giáo dục, Số 23,24.
  2. Nguyễn Tiến Hùng (2008), Quản lý quá trình dạy và học đại học, Tạp chí Khoa học giáo dục, số 35.
  3. Nguyễn Viết Vượng (2001), Giáo dục học, NXB Đại học sư phạm, H.

 

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an