Tìm hiểu Văn học Việt Nam

Văn học là yếu tố trội của văn hoá Việt Nam qua những chặng đường lịch sử. Tìm hiểu sức sáng tạo của một dân tộc có thể tiếp cận và khai thác ở nhiều bình diện và văn hoá là một phạm trù in lại dấu ấn đậm nét nhất. Và trong những giá trị văn hoá tinh thần của bất kỳ một quốc gia dân tộc nào cũng có yếu tố trội do những đặc điểm riêng của quốc gia ấy phát triển trong trường kỳ lịch sử. Trong văn hoá Việt, văn học là yếu tố trội nhất. Trước tiên phải kể đến kho tàng phong phú về văn học dân gian. Các tác giả Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi… đã có công sưu tầm khảo cứu, giới thiệu văn học dân gian Việt Nam. Các nhà văn ở các thời đại đều biết tìm về nguồn văn học dân gian để học tập, khai thác. Chúng ta có hàng trăm câu chuyện cổ giàu giá trị nhân văn nói lên mong ước, khát vọng và trí tuệ của người bình dân đã sống và đấu tranh như thế nào để tồn tại trong cuộc đời cũ. Khu vực truyện cười cũng rất giàu có, thâm thuý, ý nhị. Cái cười Việt Nam, tiếng cười của người lao động thật sảng khoái, vừa nhân hậu, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Các truyện về Trạng Quỳnh, Trạng Lợn hấp dẫn với nhiều thế hệ. Và khu vực ca dao dân ca cũng rất phong phú, nguồn sáng tạo không vơi cạn của dân gian. Dường như ở quốc gia nào cũng có hàng trăm hàng ngàn câu ca hay về vẻ đẹp đất nước, quê hương, về kinh nghiệm lao động sản xuất, nhưng hay hơn cả thuộc về các bài ca về tình yêu đôi lứa. Ca dao thể hiện tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam. Nhiều bài ca dao nổi tiếng như Qua cầu gió bay, Trèo lên cây bưởi hái hoa, Ngang lưng thì thắt bao vàng, Hôm qua tát nước đầu đình; nhiều câu ca ngương đọng với thời gian, sâu sắc, đằm thắm tình đời, tình người.

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương

Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi

Thấy anh như thấy mặt trời

Chói chang khó ngó trao lời khó trao

Anh đi anh dặn em rằng

Đâu hơn thì lấy đâu bằng chờ anh

Đêm nằm ở dưới bóng trăng

Thương cha nhớ mẹ không bằng nhớ em

Gió sao gió mát sau lưng

Dạ sao lại nhớ người dưng thế này

Yêu nhau vạn sự chẳng nề

Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay

Ca dao – nguồn tình cảm và tri thức vô tận của dân gian là kho báu của nền văn học dân tộc, có khả năng đóng góp cho văn hoá nhân loại. Dân ca Quan họ Bắc Ninh, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO tôn vinh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhâ loại vào năm 2009, 2014…

Chúng ta đã có một nền văn học trải dài qua hàng chục thế kỷ. Nếu tính về văn học viết từ thời Lý – Trần đến hết thế kỷ XX thì đã có trọn 10 thế kỷ văn học với nhiều thế kỷ phát triển rất rực rỡ. Thế kỷ XV của nhà nước Đại Việt, văn thơ Lý – Trần giàu sức sáng tạo, thế kỷ XVIII, XIX, với những thành tựu có ý nghĩa phục hưng của văn học với các tên tuổi lớn Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu… Thế kỷ XX đầy ắp những sự kiện lớn mở ra một thời kỳ mới với nhiều trào lưu, khuynh hướng với những tên tuổi như Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Tố Hữu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài…

Nhiều tác giả ở đỉnh cao của văn chương thời đại và tên tuổi còn lại mãi với thời gian. Hội đồng Hoà bình thế giới đã tôn vinh hai danh nhân văn hoá thế giới là Nguyễn Trãi nhân dịp 500 năm ngày sinh và Nguyễn Du nhân dịp 200 năm ngày sinh. Tổ chức UNESCO năm 1990 đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Theo thời gian còn có thể có nhiều tác giả khác được suy tôn chân giá trị. Ngoài phần văn học viết của người Kinh còn nhiều tác phẩm của các dân tộc anh em, đặc biệt là thơ ca trữ tình của các dân tộc Thái, Mường thực sự đã làm giàu có nền văn học Việt Nam nói chung. Ngoài phần văn học viết là văn học dân gian, gồm kho tàng truyện cổ tích, kho tàng ca dao, tục ngữ chưa được khám phá và tổng hợp đầy đủ.

Điều quan trọng là nền văn học Việt Nam có mối quan hệ rất chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Mỗi chặng đường lịch sử, mỗi chiến tích của dân tộc dường như đều có mặt trong văn chương; các tướng lĩnh, các vị lãnh đạo chính trị, các bậc chí sĩ đều sử dụng có hiệu quả văn chương phục vụ chính trị như “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu, “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu…

Nhiều áng văn chương của thời kỳ hiện đại đã có sức cổ vũ tinh thần yêu nước như “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, “Từ ấy” của Tố Hữu, thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh, thơ ca cách mạng trong nhà tù. Các tác phẩm trong hai chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được xem là văn chương của nền văn nghệ tiên tiến tiên phong chống đế quốc.

Mười thế kỷ đã sản sinh ra nhiều tác phẩm có giá trị về nhiều mặt: triết học, xã hội học, sử học. Trong hoàn cảnh văn, sử, triết bất phân, nên tác phẩm văn chương có giá trị cũng đảm nhiệm trách nhiệm nhiều khi nặng nề của các lĩnh vực khoa học xã hội khác. Tổng luận về “Tổng tập văn học Việt Nam” cũng nhận xét: “Văn học là một bộ phận quan trọng của văn hoá. Vì vậy, nếu như văn hoá Việt Nam có bản sắc dân tộc độc đáo và sức mạnh đặc biệt thì những thuộc tính này cũng của văn học Việt Nam, nhưng văn học Việt Nam lại còn là tấm gương lớn nhất phản ánh văn hoá Việt Nam”.

Một trong những tác gia độc đáo của Việt Nam là Hồ Xuân Hương. Tiến sĩ Niculin cho rằng Hồ Xuân Hương là một cái gì khác thường: “hiện tượng văn học này hoàn toàn không chịu có mình vào khuôn khổ của truyền thống, nó không hề có một mẫu nào trong văn học Việt Nam trước đó cũng như sau đó”. N.I. Niculin khảo sát chất châm biếm, chất tục trong bà nhưng lớn hơn cả là những mạch suy nghĩ về cuộc đời và số phận con người với cách nhìn sâu sắc và mạnh mẽ, đặc biệt là tinh thần đấu tranh để giải phóng phụ nữ.

Về văn học thời kỳ trung đại, Cao Bá Quát được xem là “người khởi xướng phong trào cải lương nửa sau thế kỷ XIX. Sau khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, Cao Bá Quát đã cảm thấy được tất cả sự lạc hậu khủng khiếp của đất nước mình với những sách vở Nho giáo cổ hủ. N.I. Niculin ca ngợi Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu, những nhà nho yêu nước với tinh thần “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”. Ông cũng quan tâm tới khuynh hướng thơ châm biếm mà Nguyễn Khuyến và Tú Xương đại biểu.

Khép lại thời kỳ trung đại, bước sang giai đoạn hiện đại, sự ra đời của văn thơ cách mạng gắn liền với tên tuổi của văn thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Cuốn sách mang tính chính luận rất xúc động của Hồ Chí Minh là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản bằng tiếng Pháp ở Pari năm 1925. Bằng giọng văn tố cáo và bằng những sự kiện tiêu biểu có sức thuyết phục, tác giả đã dựng lên một hình tượng tổng hợp về một tên thực dân tác oai, tác quái ở Việt Nam và những nước Phi Châu”. Bên cạnh đó, “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh đã dựng lại chân thực hình tượng người chiến sĩ cách mạng vượt lên những thử thách trong cảnh tù đày và thể hiện khí phách của người cộng sản.

Thời kỳ 1930 – 1945 được xem là giai đoạn hưng thịnh có ý nghĩa của một thời phục hưng của văn chương Việt Nam. Có thể kể nhiều tác giả. Trong văn xuôi có Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài. Trong thơ có Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Tế Hanh… Những tác giả trên đều là những tên tuổi lớn trong văn chương thời kỳ hiện đại. Chúng ta nhắc đến Vũ Trọng Phụng với một khối lượng tác phẩm đồ sộ từ tiểu thuyết, kịch, phóng sự, truyện ngắn, tác phẩm dịch, bài phê bình, tiểu luận, bài báo, xã luận… Không chỉ là số lượng mà còn chiếm lĩnh chất lượng cao. Dư luận báo chí đương thời tôn vinh ông là “vua phóng sự đất Bắc”.

Xuân Diệu được xem là nhà thơ tiêu biểu nhất cho phong trào Thơ mới. Ông là nhà thơ của tuổi trẻ, của tình yêu, là ông hoàng trong thơ tình, là nhà thơ tình hay nhất của Việt Nam thế kỷ XX. Ngoài ra, ông còn có nhiều nguồn mạch khác. Xuân Diệu chào đón Cách mạng tháng Tám và cuộc đời mới bằng hai trường ca tiêu biểu “Ngọn quốc kỳ” và “Hội nghị non sông”. Mỗi giai đoạn cách mạng, Xuân Diệu lại có thơ viết về những chủ đề lớn phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, vừa có giá trị lâu dài qua các tập thơ “Mũi Cà Mau”, “Cầm ta”, “Một khối hồng”, “Hai đợt sóng”, “Tôi giàu đôi mắt”, “Thanh ca”, … Xuân Diệu còn là tác giả của những tập truyện ngắn và các công trình phê bình, nghiên cứu văn học.

Nhà thơ Huy Cận là người bạn tri kỷ của Xuân Diệu trong suốt nửa thế kỷ từ năm 1936 cho đến khi Xuân Diệu qua đời năm 1985. Huy Cận đặc biệt nổi tiếng với tập “Lửa thiêng”, tập thơ nói lên những khát vọng của tuổi trẻ một thời, vừa có ý nghĩa thiêng liêng, vừa là tiếng đời gần gũi. Nếu Xuân Diệu sôi nổi, tươi trẻ thì Huy Cận đằm sâu, nhân hậu. “Lửa thiêng” vẫn được Huy Cận xem là tập thơ của một đời người, nổi trội nhất như một tác phẩm thi ca mang dấu ấn của thế kỷ XX.

Về văn xuôi đã có một thế hệ những tác giả văn xuôi nổi bật. Dòng văn chương lãng mạn thời kỳ 1930 – 1945 nổi lên nhóm Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam và đặc biệt là dòng văn học hiện thực với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài… Mỗi tác giả là một thế giới, là một phong cách sáng tạo riêng. Về lý luận phê bình, chúng ta có Hải Triều, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, nhiều thế hệ nhà văn đã có những đóng góp xuất sắc cho nền văn học cách mạng. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, các nhà văn lại có mặt. Họ lên đường theo chiến dịch, đến với nhiều trận tuyến chiến đấu. Bên cạnh thế hệ những nhà văn tiền chiến là lớp nhà văn trưởng thành với cách mạng và kháng chiến, tiêu biểu là Nguyễn Đình Thi và Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Võ Huy Tâm… Nhiều nhà văn phát triển tài năng trong môi trường quân đội như Chính Hữu, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Hữu Mai, Phan Tứ… Kết quả của những năm tháng hoạt động gian khổ và nhiều thử thách là những bông hoa đầu mùa tươi thắm. Văn xuôi có “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi, “Ký sự Cao Lạng” của Nguyễn Huy Tưởng, “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài và “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng. Thơ ca nổi lên với các tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Người chiến sĩ” của Nguyễn Đình Thi…

Những tác giả văn xuôi tiêu biểu như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi vẫn tỏ ra sung sức, dồi dào bút khí khi trở về với mảng đề tài trước Cách mạng tháng Tám. Với cách suy nghĩ và nhận thức mới về cuộc sống của một thời kỳ lịch sử đã qua, nhiều cuốn tiểu thuyết với kích cỡ lớn đã được xây dựng. Nguyên Hồng với bộ “Cửa biển”, Nguyễn Đình Thi với “Vỡ bờ”, Tô Hoài với “Mười năm” đã đóng góp vào những đóng góp của tiểu thuyết những giá trị mới.

Kết thúc chiến tranh, bước vào thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955 – 1964), văn học lại đạt được một số thành tựu đáng kể, đặc biệt là với thơ ca. Các nhà thơ của phong trào Thơ mới sau những tháng năm đi vào đời sống thực tế đã có những chuyển biến trong nhận thức và sáng tạo.

Bước vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, toàn bộ nền văn học dâng lên một đỉnh cao mới của tinh thần yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Có thể nói là các thế hệ đều đã có mặt từ lớp trước cách mạng như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Anh Thơ đến thế hệ những nhà thơ thời kỳ Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam, Anh Đức, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ,… Đặc biệt, thời kỳ chống Mỹ, nhiều tác phẩm vừa thời sự, vừa có giá trị lâu dài: Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo,…, chỉ riêng Xuân Quỳnh trong thơ và đặc biệt là Lưu Quang Vũ trong kịch đã in đậm nét bản sắc của tài năng nghệ thuật. Những thành tựu trên của một thời kỳ văn học cũng như của mỗi cá nhân đều không phải là kết quả tự nhiên của sự phát triển mà thực sự là nỗ lực lớn lao của người viết.

Sau chiến thắng 1975, văn học lại bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều hoài bão và dự báo lạc quan. 

Tóm lại, sự phát triển nổi bật của văn học trong nền văn hoá Việt Nam nói lên sức mạnh của tư duy nghệ thuật của nghệ sĩ, năng lực tổng hợp và cảm thụ cuộc sống. Văn học bộc lộ trí tuệ và sự tinh tế của ngôn từ.

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật