MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP GIẢNG DẠY HIỆU QUẢ CÁC HỌC PHẦN LÝ LUẬN Ở TRƯỜNG CĐ VĂN HÓA NGHẸ THUẬT NGHỆ AN

Các môn lý luận ở Trường CĐ VHNT Nghệ An bao gồm Lý luận đại cương và Lý luận chuyên ngành. Giảng dạy các bộ môn lý luận trong bối cảnh hiện nay không phải là điều dễ dàng. Trường CĐ VHNT Nghệ An đào tạo 10 mã ngành CĐ chính quy, trong đó, các học phần lý luận chiếm 40% chương trình đào tạo. Sinh viên nhà trường có xu hướng thích học các môn thực hành hơn các môn lý luận. Một số giảng viên không có phương pháp truyền thụ hấp dẫn càng làm cho tiết giảng nhàm chán. Vì thế, sinh viên chỉ chăm chú ở những buổi đầu còn buổi tiếp theo, sinh viên buồn ngủ, chán học, nghỉ học. Trong khi đó, việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học không nhiều. Nhiều môn lý luận trừu tượng, khó hiểu. Giáo viên không liên hệ sát và cập nhật tình hình thời sự trong nước và quốc tế, nhất là những kiến thức mới nhất thuộc chuyên môn giảng dạy. Vì thế, chất lượng học các học phần lý luận không cao. Từ thực tiễn của việc dạy lý luận hơn 10 năm ở nhà trường, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy lý luận ở nhà trường. 

 

Thứ nhất, giảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy.

Dạy ở đại học, cao đẳng là dạy những thông tin khoa học có giá trị khái quát cao. Bài giảng phải chứa đựng những kiến thức có giá trị khoa học; Dạy học là khoa học và nghệ thuật xử lý hài hoà giữa nội dung thông tin khoa học có tính khái quát với rèn luyện phương pháp nắm thông tin; Bài giảng phải là bài giảng mở; Bài giảng đó khơi gợi và phát huy tiềm năng sáng tạo của sinh viên, từ đó nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo cho sinh viên; Bài giảng cần có tính liên thông với các chuyên ngành... Muốn thực hiện được những điều trên và để nâng cao năng lực giảng dạy, không có con đường nào khác là bản thân mỗi giảng viên phải tận tâm, tận lực ra sức, chuyên tâm học tập và nghiên cứu khoa học đặng làm chủ tri thức, và biết cách dẫn sinh viên đi tìm chân lý. Có như vậy, giảng viên mới có thể tạo nên niềm say mê học tập và nghiên cứu khoa cho sinh viên.

Hơn nữa, thầy cô giáo cần luôn sáng tạo ngay trong từng bài giảng, khêu gợi sự tò mò bằng cách tạo sự hấp dẫn của tri thức và bằng tấm gương học tập của mình, giúp cho người học trong khi nghe giảng không ỷ lại, không chỉ nghe giảng một cách thụ động. Bài giảng phải sinh động, tạo bầu không khí trong lớp học luôn sinh động và khích lệ người học cùng tham gia thảo luận, thậm chí có thể để “người học cùng tranh luận với thầy trong một môi trường mà người học luôn khao khát được biết cái mới, khám phá cái mới và được ứng dụng cái mới”. Điều này đòi hỏi  nỗ lực rất lớn từ phía giảng viên chúng ta. Chúng ta không những sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ mà phải thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong tay.

Thứ hai, giảng dạy các học phần lý luận cần đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng dạy cách tư duy và cách học.

Thầy cô giáo luôn tạo cơ hội cho người học có đủ điều kiện để tự suy nghĩ, tự tìm hiểu và có khả năng tự quyết định. Đồng thời thầy cô giáo giữ vai trò là người hướng dẫn giúp người học đến với tri thức, khoa học bằng con đường đi tốt nhất, ngắn nhất, bằng con đường trên đó luôn có sự đổi mới. Thầy cô cũng cần tôn trọng những suy nghĩ, tình cảm, ý kiến, ý định, nguyện vọng... của sinh viên. Tạo khả năng trau dồi trí tuệ của từng người, làm giàu tri thức cho mình. 

Như vậy, nếu người giảng viên dạy các môn lý luận biết thổi vào tâm hồn sinh viên luồng gió tự học và người học cầm chìa khoá đó cùng với việc được đào tạo một cách chính quy, có hệ thống ở nhà trường thì sẽ phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ, khả năng sáng tạo của bản thân, góp phần vào xây dựng sự nghiệp nước nhà ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Thứ ba, Chúng ta cần khai thác triệt để công nghệ thông tin và truyền thông mới vào giảng dạy các môn lý luận.

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, bùng nổ tri thức, Công nghệ thông tin và truyền thông có thể giúp con người chọn nhập và xử lý thông tin nhanh chóng để biến thành tri thức, giúp cho bài giảng thêm sinh động, tạo hứng thú cho người học. Do đó, giảng viên cần là người hỗ trợ hướng dẫn sinh viên tìm chọn và xử lý thông tin. Đồng thời giảng viên phải phối hợp nhuần nhuyễn giữa các phương pháp dạy học và phương tiện, áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc giảng dạy đạt hiệu quả cao.

Trong bối cảnh hiện nay, giảng dạy ở đại học là một công việc vô cùng cao quý nhưng cũng đầy gian truân. Nó đòi hỏi chúng ta - “nhà giáo mới” giảng dạy các môn lý luận phải tâm niệm rằng: “Giá trị của người giáo viên được tôn trọng bằng chính năng lực của người giáo viên góp phần tối đa vào sự phát triển của sinh viên”. Muốn vậy, chúng ta cần không ngừng nỗ lực phấn đấu.

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật