Đoàn cán bộ, giảng viên, công nhân viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An tham quan thực tế ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế

Nhân dịp tổng kết năm học 2016 - 2017, đồng thời thực hiện kế hoạch của Trường về đưa cán bộ, giảng viên đi tham quan, thực tế tại các cơ sở trên địa bàn hai thành phố Đà Nẵng và Huế để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, nắm bắt kịp thời tình hình thực tế sự phát triển của các vùng miền trên đất nước đang diễn ra, góp phần nâng cao công tác giảng dạy, học tập của giảng viên nhà trường...

Trên hành trình, Đoàn đã viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau đó, đoàn đã đến thành phố Đà Nẵng vào chiều ngày 1/7/2017. Tại thành phố Đà Nẵng, đoàn đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đèo Hải Vân, cầu Hải Vân, biển Mỹ Khê. Buổi tối, đoàn được ngắm nhìn vẻ đẹp của Cầu sông Hàn. Cầu được xây dựng trên trục chính của đường Bạch Đằng, nối quận Hải Châu với quận Sơn Trà, cây cầu quay là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Cây cầu đẹp lung linh và nổi bật giữa thành phố mỗi khi màn đêm buông xuống. Vào 0h30 mỗi đêm, cầu sông Hàn quay 90 độ quanh trục giữa cầu cho những con tàu lớn đi qua, và đóng lại lúc 3h30.

Sáng ngày 2/7, đoàn đã tham quan Núi Bà Nà, thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 40 km về phía tây nam. Bà Nà là một khu dự trữ thiên nhiên quốc gia với độ cao 1489 m so với mực nước biển. Từ Bà Nà, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh thành phố và biển cùng các cánh đồng mênh mông. Đến đây, du khách nên ghé thăm chùa Linh Ứng với bức tượng Đức Bổn Sư cao 27 m, Suối Mơ, thác Tóc Tiên, hay khu vui chơi trong nhà Fantasy Park.

Chiều ngày 2/7/2017, Đoàn đã tham quan chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng. Bước vào cổng chùa Linh Ứng, mọi người đã phần nào cảm nhận được sự đồ sộ và uy nghiêm của ngôi chùa này. Anh hướng viên đã kể cho chúng tôi rất nhiều điều lý thú liên quan đến ngôi chùa này, chùa được xây dựng vào ngày 19/6/2004 âm lịch sau 6 năm xây dựng thì chính thức khánh thành. Chùa Linh Ứng là một quần thể rộng lớn nằm ở độ cao 693m so với mực nước biển vì thế nơi đây rất nổi bật và mang vẻ đẹp uy nghi hùng vĩ của núi rừng, biển cả.

Chùa Linh Ứng mang đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI, chùa tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi mặt hướng ra biển Đông bao la, từ đây bạn có thể quan sát được đảo Cù Lao Chàm án ngự phía bên trái, bên phải là ngọn Hải Vân trùng điệp xanh ngắt quanh năm mây phủ. Địa thế tuyệt đẹp khiến cho Linh Ứng Tự trở thành nơi hụ tụ linh khí của đất trời.

Đi tham quan một vòng, mọi người trong đoàn đã thấy với diện tích rộng 20ha nhưng nơi đây có nhiều các hạng mục như chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường, thư viện, nhà ăn, nhà cầu, vườn tượng các vị A-la-hán cùng một số hạng mục khác đang tiếp tục được hoàn thiện. Ngôi chùa là sự kết hợp khóe léo và tinh tế của lối kiến trúc phật giáo hiện đại và cổ xưa mang lại cho du khách những cái nhìn mới lạ độc đáo hơn bao giờ hết.

Chúng tôi bước tiếp hơn hai mươi bậc thềm đá để vào cổng chánh điện, tại cổng chính lưu hai thơ lớn: “Linh ứng sở cầu như ý nguyện/ Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh” và cũng như nhắc chúng ta rằng nới đây là nơi đất trời giao hòa linh ứng, thiêng liêng vô cùng chỉ cần bạn có tâm là mọi nguyện ước sẽ thành sự thật.

Sáng ngày 3/7/2017, đoàn đã tới Cù Lao Chàm. Đến đây, đoàn được khám phá một vùng thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng tại hòn Lao, hòn Dài, hòn Chồng, hòn Yến và hòa mình với cuộc sống dân dã tại các làng chài, thưởng thức các loại đặc sản địa phương như tôm, cá, mực, cua đá, rau rừng... Tắm biển, tắm nắng, leo núi, hay tham gia các hoạt động thể thao như mô tô nước, dù bay, lướt ván, bơi thuyền, lặn ngắm san hô cũng là những điều hấp dẫn.

Ngày cuối cùng, đoàn trên đường trở về đã ghé lại thành phố Huế. Tại đây đoàn đã được nghe ca Huế trên sông Hương. Đến Cố đô Huế, buổi tối đi thuyền trên sông Hương nghe câu hát, điệu hò làm say lòng du khách. Để tham gia vào chương trình, đoàn có mặt ở bến tàu gần cây cầu Trường Tiền mua vé và xuống thuyền Rồng để tham dự một chương trình ca Huế. Đến giờ, khách đã ngồi kín chỗ trên khoang thuyền. Thuyền bắt đầu rời bến xuôi dòng sông Hương. Về đêm, thành quách hai bên bờ sông nguy nga và rực rỡ hơn trong ánh đèn màu trang trí. Ra đến giữa dòng, thuyền được tắt máy và thả trôi, trả lại không gian yên tĩnh cho dòng sông và chương trình được bắt đầu.

Ca Huế được hình thành từ dòng ca nhạc dân gian với ca nhạc cung đình. Ca Huế thể hiện theo hai dòng là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng. Điệu Nam là những bài âm điệu buồn, ai oán với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Dàn nhạc để biểu diễn ca Huế gồm có nhạc công với trang phục áo the đầu đội khăn xếp, chơi các nhạc cụ  đàn nhị, đàn nguyệt, sáo và đàn bầu. Các ca công là nữ với trang phục áo dài truyền thống và chơi các nhạc cụ sanh loan, sanh tiền.

Qua chuyến đi tham quan thực tế, Đoàn cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường đã thu nhận được rất nhiều hiểu biết và kinh nghiệm hữu ích. Đây là một chuyến đi rất bổ ích, giúp cán bộ giảng viên có thêm thông tin, tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời thắt chặt thêm tình cảm giữa cán bộ, giảng viên, công nhân viên với nhau và với nhà trường. 

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an