Giải pháp đẩy mạnh thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ hát dân ca tại các địa phương

Ngày 27 tháng 11 năm 2014, dân ca Ví, Gặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Danh hiệu cao quý này là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn của thế hệ hôm nay phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết quốc tế cũng như gìn giữ giá trị văn hoá quý báu mà cha ông ta để lại. Đây cũng là lý do để chúng ta cần phải có những kế hoạch và giải pháp tích cực, cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Nghệ Tĩnh trước mắt và lâu dài. Trước tình hình đó, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ Tĩnh trong thế giới đương đại, hội nhập và phát triển. Trong đó thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ dân ca là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

Câu lạc bộ Dân ca là hình thức sinh hoạt của một nhóm người có cùng sở thích. Câu lạc bộ được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, thành phần gồm các thành viên có cùng nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí và niềm đam mê đàn hát dân ca nhằm làm thoả mãn nhu cầu học tập và cống hiến.

Qua thời gian, ở xứ Nghệ đã hình thành 4 hình thức câu lạc bộ dân ca: câu lạc bộ gia đình, dòng họ; câu lạc bộ nghề nghiệp; câu lạc bộ tự nguyện và câu lạc bộ do chính quyền thành lập. Và để duy trì bền vững thì câu lạc bộ dân ca phải hội tụ được các tính chất sau: tính tự túc (tự bỏ ra các chi phí về vật chất cho quá trình sinh hoạt); tính tự tác (tự sáng tác, tự biên tự diễn); tính tự nguyện (tự nguyên tham gia do ham mê, yêu thích) và xã hội hóa trong hoạt động (có khả năng tìm được nguồn thu nhập từ các hoạt động của câu lạc bộ của mình).

Câu lạc bộ dân ca là hình thức phát triển của các phường hát, hội hát xưa. Qua thời gian, với sự ra đi của các làng nghề, các phường hát không còn. Việc thành lập câu lạc bộ chính là hình thức đưa sinh hoạt dân ca trở về với nguồn gốc ban đầu của nó và tục hát truyền thống của cha ông. Lâu nay hình thức sinh hoạt này chủ yếu là truyền miệng qua các thế hệ nghệ nhân trong cộng đồng, được gọi là sinh hoạt cộng đồng. Hình thức này mang tính tự nhiên như vốn có nhưng tính cộng đồng lại không cao và tính chuyên nghiệp chưa có. 

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, Nghệ An đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ Câu lạc bộ dân ca trong công tác bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại địa phương. Năm 2015, tỉnh đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho Câu lạc bộ dân ca xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn). Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã chủ trì tổ chức tập huấn cho các câu lạc bộ trong tỉnh; xây dựng được các mô hình hoạt động câu lạc bộ như câu lạc bộ Hương Xuân (Đô Lương), câu lạc bộ Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn). Chính quyền cùng tổ chức đoàn thể các cấp đã tăng cường trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cộng đồng, câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá dân ca Ví, Giặm; phục hồi, lưu truyền các bài hát và hình thức diễn xướng truyền thống đã bị mai một; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với các mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm trong cuộc sống đương đại.

Các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cũng đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, mua sắm trang phục, nhạc cụ, phương tiện âm thanh ánh sáng để các câu lạc bộ có điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động và tạo ra những cơ hội cho người thực hành thường xuyên với sự tham gia và khuyến khích đông đảo công chúng hát Ví, Giặm. UBND huyện Nam Đàn đã tích cực phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch tổ chức trình diễn dân ca Ví, Giặm tại Khu di tích Kim Liên (do câu lạc bộ phường vải Kim Liên biểu diễn, phục vụ khách tham quan, bắt đầu từ 30/4/2015).

Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, Sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy di sản, quảng bá hình ảnh di sản, hoạt động câu lạc bộ dân ca đã được nâng lên một bước trở thành hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn và không ngừng được nhân rộng trên khắp các địa bàn dân cư xứ Nghệ. Hoạt động dân ca trở nên bài bản, có tổ chức và chọn lọc hơn, đã có người đứng ra quản lý và có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Và không ai khác, nghệ nhân là những người đóng vai trò nòng cốt trong việc phát huy, phát triển và nhân rộng mạng lưới dân ca trong cộng đồng dân cư.

Và đến hôm nay, sinh hoạt dân ca đã là hoạt động diễn ra sôi nổi, rộng khắp và  hết sức tự nhiên của người Nghệ. Dân ca đã thực sự đi vào đời sống hàng ngày của người dân xứ Nghệ. Từ ma chay, cưới hỏi, lễ tết, đình đền, các hoạt động xã hội,… đều có mặt của dân ca. Nó như một bộ phận không thể tách rời trong cuộc sống của con người. Ban đầu từ 25 Câu lạc bộ dân ca ở 22 phường, xã, thị trấn/14 huyện, thành, thị với 500 nghệ nhân toàn tỉnh (năm 2010 – năm 2011). Đến tháng 7 năm 2012 (thời điểm Ví, Giặm làm Hồ sơ Di sản Quốc gia), toàn tỉnh đã xây dựng và mở rộng được 51 câu lạc bộ dân ca ở 44 phường, xã, thị trấn/ 14 huyện, thành, thị với 1000 nghệ nhân. Trong 2 năm tiếp theo (tức 2013 - 2014), toàn tỉnh đã xây dựng và mở rộng được 76 CLB dân ca ở 72 làng, xóm, phường, xã, thị trấn/ 14 huyện, thành, thị với 1600 nghệ nhân. Và đến nay (tức 2016) toàn tỉnh đã xây dựng và mở rộng được 96 CLB dân ca ở 97 phường, xã, thị trấn/ 16 huyện, thành, thị (trừ các huyện miền núi: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kì Sơn) với gần 2000 nghệ nhân, trong đó có 43 nghệ nhân đã được phong tặng Nghệ nhân Dân gian Việt Nam, và 26 nghệ nhân đạt danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, khoảng 700 nghệ nhân nắm vững các làn điệu, có khả năng thực hành và truyền dạy dân ca, tập trung và có truyền thống lâu đời như các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu,….Tiêu biểu như các cụ: Nguyễn Thị Đồng, Nguyễn Trọng Đổng, Lê Thị Vinh (Thanh Chương), Nguyễn Thị Am (Quỳnh Lưu), Trần Thị Như (Yên Thành),... hình thành được một đội ngũ tác giả sáng tác, biên soạn, dàn dựng các tiết mục, chương trình dân ca, tiêu biểu như: Phan Thế Phiệt, Trần Văn Minh (Yên Thành), Võ Trọng Thìn, Võ Thị Vân (Thanh Chương), Nguyễn Yết Niêm (Quỳnh Lưu), Trần Văn Hồng (Nghĩa Đàn), Cao Xuân Thưởng (Diễn Châu), Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Mạnh Cường (Đô Lương), Trần Văn Minh (Nam Đàn),...  Hệ thống các Câu lạc bộ đã tạo nên được một mạng lưới dân ca rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở địa phương. Các câu lạc bộ thực sự đã trở thành nơi lưu giữ hồn Ví, Giặm, góp phần làm khởi sắc đời sống văn hoá văn nghệ của đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả, đủ sức hấp dẫn để có thể lôi kéo đông đảo cộng đồng tham gia và hưởng ứng để phong trào hát dân ca thực sự lan tỏa sâu rộng?

Tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới câu lạc bộ dân ca, nòng cốt không chỉ các câu lạc bộ xã như hiện nay mà còn xây dựng câu lạc bộ ở các thôn, xóm, do các tổ trưởng xóm, thôn, khối phối hợp với cán bộ trung tâm văn hóa xã, huyện quản lý và triển khai công tác.

Cần có chương trình hành động cụ thể, văn bản hướng dẫn từ phía cơ quan chức năng để hướng các câu lạc bộ đi vào tổ chức, hoạt động đúng hướng, có hiệu quả, đạt chất lượng nghệ thuật tốt. Hàng quý, tháng cần tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ nhiệm có đủ năng lực quản lý, hướng dẫn các thành viên câu lạc bộ các hoạt động: tự sáng tác, đặt lời mới, dàn dựng các tiết mục, chương trình lớn, nhỏ, sử dụng các nhạc cụ...

Cần tập trung biên soạn hệ thống tài liệu tham khảo: giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ, quá trình phát triển, hệ thống các bài dân ca gốc, dân ca cải biên

Về kinh phí, Sở VH, TT và Du lịch và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ cần chỉ đạo, hướng dẫn các câu lạc bộ tham gia các hoạt động biểu diễn, tạo nguồn thu để có thể trang trải một phần kinh phí hoạt động.

Sinh hoạt đàn hát dân ca ở các câu lạc bộ cần được duy trì thường xuyên, có thể 1 tháng sinh hoạt một lần, mời một số nghệ nhân tham gia tư vấn, hướng dẫn các thành viên học hát. Mỗi quý cần có những tổng kết, đánh giá hiệu quả. Nội dung sinh hoạt cần được lên kế hoạch, cụ thể về thời gian, bài tập, tránh sinh hoạt hình thức, qua loa.

Tổ chức định kỳ thi đàn và hát dân ca ở cơ sở 2 năm/lần, ở tỉnh 5 năm/lần. Đây cũng là dịp để các câu lạc bộ giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Nghệ Tĩnh là trách nhiệm của tất cả mọi người dân Nghệ Tĩnh đối với di sản quý báu mà cha ông ta đã sáng tạo, gìn giữ, trao truyền cho hôm nay và mai sau. Có nhiều giải pháp để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy, trong đó việc xây dựng, mở rộng mạng lưới câu lạc bộ dân ca là một trong những giải pháp hữu hiệu. Đây là công việc lâu dài và cần sự vào cuộc của cả xã hội.

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an