BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ ĐẠO PHẬT

            1. Quá trình du nhập của Phật giáo vào Việt Nam

            Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Theo sự nghiên cứu của giới sử học nước ta thì Phật giáo du nhập vào Việt Nam ngay từ những năm đầu Công nguyên. Phật giáo vào Việt Nam bằng hai con đường chủ yếu: từ Ấn Độ sang và từ Trung Hoa xuống. Thời kỳ đầu, Phật giáo vào Việt Nam chủ yếu: từ Ấn Độ, bằng đường biển cùng với các thương nhân.

            Từ thế kỷ II đến thế kỷ V, Phật giáo tiếp tục truyền vào Việt Nam gắn với tên tuổi một số nhà sư Ấn Độ và Trung Quốc như Mahakỳvực (người Ấn), Mâu Bác cư sĩ (người Trung Quốc)...

            Phật giáo vào nước ta chủ yếu là từ phía Bắc truyền xuống, là dòng Phật giáo Đại thừa. Đến thế kỷ V, Phật giáo được truyền đến nhiều mơi trên đất nước và đã xuất hiện những nhà sư Việt Nam như Huệ Thắng (440 - 479); Thích Đạo Thiền (457 - 483), v.v... Đến thế kỷ VI - VIII, Phật giáo truyền từ phương Nam lên (từ Xri Lanca qua Campuchia) tới Nam phần lãnh thổ Đại Việt, đó là Phật giáo tiểu thừa.

            2. Các giai đoạn phát triển của Phật giáo ở Việt Nam

            2.1. Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ V đến thế kỷ X

            Trong lịch sử Phật giáo, giai đoạn từ thế kỷ V đến thế kỷ X vẫn được xem là giai đoạn truyền giáo. Trong giai đoạn này, ảnh hưởng của các nhà sư Ấn Độ giảm dần, trong đó, ảnh hưởng của các nhà truyền giáo Trung Quốc tăng lên, đặc biệt là các phái Thiền Trung Quốc du nhập vào Việt Nam ngày càng mạnh như phái Thiền Tỳniđalưuchi, phái Thiền Vô ngôn thông... từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam trong nhiều thế kỷ (khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ VIII).

            Khoảng thời gian từ thế kỷ V đến thế kỷ X, đặc biệt từ thế kỷ X trở đi, khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ sau một ngàn năm Bắc thuộc, cũng là lúc uy tín và vai trò xã hội của lực lượng Phật giáo được khẳng định. Nhà nước độc lập, non trẻ lại càng cần một điểm tựa ý thức, một công cụ tinh thần để xây dựng và quản lý đất nước. Trong khi đó, Nho giáo mới chỉ thâm nhập vào tầng lớp trên của giai cấp thống trị, chưa phát triển ở Việt Nam. Chính hoàn cảnh lịch sử đó đã khiến Phật giáo chiếm một vị thế quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam. Các triều đại phong kiến đã có những chính sách nâng đỡ Phật giáo, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển mạnh. Chẳng hạn, như thời nhà Đinh, Đinh Bộ Lĩnh sau khi lên ngôi hoàng đế (lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng), đã triệu tập các vị cao tăng để định rõ bậc trên dưới cho các tăng cao tuổi cùng với việc quy định các cấp bậc văn võ của triều đình. Thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành cử những phái đoàn sang Trung Quốc thỉnh kinh để về truyền bá Phật pháp. Đặc biệt, vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành đã trọng dụng và phong thưởng cho những nhà sư có công giúp vua lo việc triều chính. Các vị sưu như Ngô Chân Lưu, Pháp Thuận... đều là những cố vấn cho nhà vua trong chính sách đối nội, đối ngoại, được nhà vua phong cho những chức vụ như Tăng Thống, Khuông Việt Thái sư - ngang với hàng Tam công trong triều.

            2.2. Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV

            Thế kỷ X-XV có thể là giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam. Triều Lý được xem là triều đại Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Lý Công Uẩn, người sáng lập ra nhà Lý, nguyên là một thiếu niên xuất gia vào chùa.

            Năm 1226, triều Lý sụp đổ, triều Trần lên thay, chấm dứt thời kỳ rối loạn do cuộc chiến giữa các thế lực phong kiến ở trung ương và địa phương gây ra. Chính quyền tập trung thống nhất được khôi phục. Bộ máy hành chính được xây dựng hoàn chỉnh từ trung ương đến các làng xã. Sức sản xuất được phục hồi và phát triển: Nông nghiệp được mở rộng nhờ khẩn hoang, đắp đê, lấn biển. Công thương nghiệp có những bước tiến mới. Nhiều làng thủ công xuất hiện. Kinh tế có sự khởi sắc. Trên cơ sở của những điều kiện kinh tế - chính trị có nhiều chuyển biến thuận lợi, mặc dù Nho giáo dần dần chiếm được vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như trong đời sống xã hội, nhưng dưới thời Trần, đạo Phật tiếp tục phát triển mạnh.

            Dưới thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XV), trong lịch sử Phật giáo, ở Việt Nam xuất hiện nhiều nhà sư danh tiếng có công với đất nước và đạo pháp. Đời nhà Lý có Vạn Hạnh quốc sư, Viên Chiếu, Thông Biện... Đời nhà Trần có các vị sư phái Trúc Lâm: vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang nên được gọi là Trúc Lâm tam tổ.

            Hai triều đại Lý (1010-1225). Trần (1225-1400) là hai triều đại Phật giáo, đồng thời cũng là hai triều đại phong kiến bền vững nhất, trong lịch sử, có những chiến công quân sự hiển hách. Dưới triều Lý, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã hai lần đánh thắng quân Tống ở phía Bắc và quân Chiêm Thành ở phía Nam. Dưới triều Trần, quân dân Đại Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược ông Nguyên. Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của hai triều đại Lý, Trần, Phật giáo đóng vai trò là hệ tư tưởng chỉ đạo rất tích cực và năng động. Sự phát triển của Phật giáo đã ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống tâm linh, tình cảm và đạo đức cũng như đến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người Việt.

            Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm rằng: Phật giáo dưới thời Trần đã phát triển trong thế dung hòa với Nho giáo, vì nhà Trần nhận thức rằng muốn trị nước thì phải dùng Nho giáo, nhưng muốn duy trì đạo đức thì phải dùng Phật giáo.  

            2.3. Phật giáo Việt Nam thời Hậu Lê (thế kỷ XV), thời Nguyễn và thời Pháp thuộc

            Từ thế kỷ XV (thời Hậu Lê), giai cấp phong kiến Việt Nam lấy đạo Nho làm chỗ dựa tư tưởng, chính trị, đạo đức. Nho giáo là công cụ hữu hiệu để củng cố chế độ phong kiến. Phật giáo suy tàn dần, không còn giữ vị trí độc tôn như thời Lý - Trần, nhưng vẫn giữ được gốc rễ sâu bền trong nhân dân, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn còn rất lớn, nhất là trong đời sống văn hóa. Với thái độ khoan dung, Phật giáo Việt Nam đã chung sống với Nho giáo, Lão giáo theo kiểu "Tam giáo đồng nguyên"

            Nhìn chung, từ cuối thế kỷ XV trở đi, Phật giáo bước vào giai đoạn suy yếu. Thời nhà Nguyễn cũng như trong thời kỳ Pháp thuộc, Phật giáo tiếp tục suy vi. Mãi đến những năm 1930, một số nhà tu hành, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước có tinh thần dân tộc đứng ra vận động phong trào "Chấn hưng Phật giáo". Từ đó, Phật giáo mới bắt đầu khởi sắc. Phong trào "Chấn hưng Phật giáo" kéo dài đến tận năm 1954. Trong quá trình này, thực dân Pháp đã tìm mọi cách để lôi kéo, thao túng một số nhân vật và tổ chức Phật giáo nhằm tạo cơ sở xã hội, chính trị cho chế độ thực dân. Nhưng mưu toan của chúng không thực hiện được.

            2.3. Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn 1954 - 1975

            Sau 1954, đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai nhiệm vụ cách mạng khác nhau:

            Ở miền Bắc, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ra đời năm 1958 nhằm quy tụ giới tăng ni, Phật tử miền Bắc trong một tổ chức duy nhất, vừa hoạt động tôn giáo, vừa hoạt động yêu nước. Phật giáo miền Bắc cùng đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

            Còn Phật giáo ở miền Nam diễn biến khá phức tạp và nổi lên mấy điểm đáng chú ý sau:

            Thứ nhất, xu hướng hiện đại hóa Phật giáo với việc xây dựng và củng cố các hệ phái cả về tổ chức, đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất (xây dựng chùa chiền, đền tháp, cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội...).

            Thứ hai, xuất hiện nhiều hệ phái Phật giáo và sự phân rẽ theo nhiều xu hướng chính trị khác nhau. Một bộ phận các tăng ni, Phật tử bị đế quốc Mỹ lợi dụng, chi phối, đã tách ra hoạt động riêng rẽ, đi ngược với tôn chỉ, mục đích chân chính của đạo Phật. Còn đại đa số tăng ni, Phật tử vẫn đồng hành cùng dân tộc, hưởng ứng, ủng hộ và tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc.

            2.4. Tình hình Phật giáo từ năm 1975 đến nay

            Sau 1975, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, tạo điều kiện cho các hệ phái Phật giáo thống nhất trong một tổ chức chung. Tháng 11 năm 1981, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo đã được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của gần hai trăm đại biểu tăng ni, cư sĩ, đại diện cho các tổ chức hệ phái trong cả nước. Đại hội đã lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Hiến chương và Chương trình hoạt động của Giáo hội, bầu ra cơ quan lãnh đạo của Giáo hội như Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự. Có thể nói, đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đáp ứng được tình cảm, nguyện vọng của các tăng ni, Phật tử, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Phật giáo trong việc phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, đem lại hòa bình, an lạc cho thế giới.

            Hiện nay, ở Việt Nam, "Đạo Phật là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất cả nước, khoảng 7.204.380 tín đồ (theo báo cáo của các địa phương với Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1997, với 21.302 nhà tu hành. Cũng theo thống kê của Ủy ban  TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, "cả nước có 13.923 ngôi chùa". Số tỉnh, thành phố có số lượng chùa cao nhất tập trung ở đồng bằng sông Hồng, chung quanh Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, vùng đồng bằng dân tộc Khơ me. Số tỉnh ít chùa tập trung ở miền núi.

            3. Kết luận

            Tóm lại, Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ những thế kỷ đầu CN. Phật giáo đến Việt Nam từ hai phía: từ Ấn Độ sang, từ Trung Quốc xuống hoặc là trực tiếp, hoặc là gián tiếp qua các xứ trung gian như Campuchia, Lào, Chiêm Thành. Phật giáo Việt Nam hội tụ hai dòng Phật giáo chính là Đại thừa và Tiểu thừa, chịu ảnh hưởng của ba tông phái lớn: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông, trong đó Thiền tông là sâu sắc hơn cả. Đồng thời, Phật giáo Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Lão giáo, những phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian, tạo ra những nét riêng biệt. Phật giáo Việt Nam đã có bề dày lịch sử gần 2000 năm với những bước phát triển thăng trầm khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử. Trong quá trình đó, Phật giáo Việt Nam đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, góp phần quan trọng trong xây dựng nền văn hóa dân tộc, tư tưởng, đạo đức, phong tục tập quán, tâm lý, tình cảm, lối sống của nhân dân.  

 

   

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an